APEC 2018: Đằng sau bức ảnh tập thể “bằng mặt nhưng không bằng lòng“
Quốc tế - Ngày đăng : 13:51, 19/11/2018
Các Hội nghị Thượng đỉnh APEC hằng năm thường kết thúc với một tuyên bố chung và một bức ảnh tập thể chụp các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.
21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh tập thể. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, Hội nghị Cấp cao APEC 2018 không đưa ra được một tuyên bố chung chính thức. Dù vậy, các nhà lãnh đạo vẫn có một bức ảnh tập thể chụp chung với nhau nhưng nhiều người cho rằng bức ảnh ấy dù bên ngoài trông có vẻ ai cũng đang mỉm cười nhưng thực chất đó chỉ là những nụ cười "bằng mặt nhưng không bằng lòng", ẩn chứa phía sau câu chuyện về việc cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên ngày càng gay gắt.
Điều đầu tiên khiến truyền thông nhận ra có điều gì đó không diễn ra như kế hoạch là khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau sải bước trên khán đài và thông báo rằng năm nay sẽ không có một tuyên bố chung.
"Tôi nghĩ không quá ngạc nhiên khi có các quan điểm khác biệt về vấn đề thương mại ngăn chặn chúng ta không có sự đồng thuận hoàn toàn trong văn kiện Tuyên bố chung. Đó là lí do chúng ta sẽ có một Tuyên bố Chủ tịch”, ông Trudeau khẳng định.
"Những quan điểm khác biệt" trong lời tuyên bố của Thủ tướng Canada là gì? Có lẽ, không còn câu trả lời nào hợp lý hơn cho việc chính những khác biệt về thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã khiến Hội nghị APEC 2018 rơi vào bế tắc. Lần đầu tiên trong lịch sử, 21 nền kinh tế thành viên không thể đưa ra một tuyên bố chung sau khi Hội nghị kết thúc.
Những bài báo xuất hiện trước khi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên gặp nhau tại APEC đã cho thấy giữa Washington và Bắc Kinh tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là trong cách hiểu về thương mại tự do và bình đẳng cũng như cách thức quy định và phân loại hoạt động của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước khi đầu tư ở các quốc gia khác.
Mỹ coi những công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc là một sự mở rộng của chính phủ khi nước này bảo hộ không công bằng cho các công ty trong nước này so với các công ty của Mỹ. Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc sử dụng sáng kiến Vành đai và Con đường như một biện pháp để "gài" các nước khác rơi vào "bẫy nợ".
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định điều này là không đúng và cho rằng Washington chỉ đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh qua việc ngăn cản sự phát triển của các công ty Trung Quốc.
Những căng thẳng giữa hai bên này đã bao trùm Hội nghị APEC và khiến nước chủ nhà Papua New Guinea phải cố gắng để xoa dịu tình hình.
Tuy nhiên, thực tế thì Papua New Guinea là bên được lợi nhiều nhất trong Hội nghị APEC 2018 này.
Giữa cuộc chiến giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, quốc gia này có được một căn cứ hải quân mới mà Mỹ và Australia tái quy hoạch cùng với một khoản đầu tư 1,7 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng từ Mỹ.
Tất cả những động thái này của Washington đều nhằm mục đích đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Bắc Kinh trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng 11/2018 này. Sự không thành công như mong muốn của Hội nghị APEC 2018 làm dấy lên những lo ngại trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo để tìm kiếm một thỏa thuận về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này rõ ràng không thể kết thúc sớm mà thậm chí có thể trở thành một mối quan hệ biến động nhất trên thế giới với những chia rẽ và bất đồng đầy nguy hiểm cho những nền kinh tế còn lại.
Kiều Anh/VOV