Kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Nhà nước kiểu mới trong lịch sử loài người
Xã hội - Ngày đăng : 08:54, 07/11/2016
Lãnh tụ Đảng Bôn-sê-vích Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết Nga tại Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai, ngày 7/11/1917, tại Điện Smolny. Ảnh tư liệu |
Tháng 9, Tổng tư lệnh quân đội Nga, tướng Cooc-ni-lôp đã điều quân về Pê-tô-grat, nhằm lật đổ Chính phủ lâm thời, đồng thời tiêu diệt chính quyền Xô viết, xây dựng thể chế quân sự độc tài. Trước tình thế đó, Đảng Bôn-sê-vích do Lênin lãnh đạo đã tổ chức nhân dân đập tan kế hoạch phản loạn này. Mặt khác, thấy tình thế không ổn, Chính phủ lâm thời đã câu kết với quân Đức, mượn tay để bóp chết chính quyền cách mạng của giai cấp công nông. Tối 29/l0, ở ngoại ô Pê-tô- grat, Ban lãnh đạo Đảng Bôn-sê-vích đã tổ chức một cuộc họp quan trọng. Lênin nhận định: ''Tình thế rất rõ ràng: hoặc là chuyên chính của Cooc-ni-lôp hoặc là chuyên chính của tầng lớp nghèo khổ của giai cấp vô sản và nông dân''. Ông chủ trương phải khởi nghĩa ngay lập tức. Hội nghị nhanh chóng tán thành đề nghị của Lênin và thành lập một trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ngày 6/11 (lịch Nga là 24/l0), trên đường phố Pê-tô-grat bán đầy những tờ báo đăng tin Chính phủ lâm thời chuẩn bị tấn công Bôn-sê-vích. Bước đầu tiên của kế hoạch đó là đóng cửa tờ báo ''Tiếng nói công nhân'', Cơ quan trung ương của Đảng Bôn-sê-vích. 10 giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kê-ren-xki tuyên bố với các bộ trưởng trong Cung điện Mùa Đông: Bôn-sê-vích không thể tuyên truyền lật đổ chính phủ được nữa. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, những người Bôn-sê-vích đã chiếm lại được xưởng in báo “Tiếng nói công nhân”. Kê-ren-xki ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố. Các cửa hàng đều đóng cửa, các ngân hàng nghỉ việc. Lúc bấy giờ, các lãnh tụ của Đảng Bôn-sê-vích đều tập trung ở điện Xmô-nưi. Sáng sớm ngày 7/11 (lịch Nga là ngày 25/l0) bắt đầu cuộc chiến đấu giành chính quyền. Đội xích vệ Bôn-sê-vích đã chiếm được bưu điện, ga xe lửa, nhà máy điện, trạm điện thoại. 11 giờ sáng, những người Bôn-sê-vích dùng điện đài trên Tuần dương hạm Rạng Đông để phát đi ''Bức thư gửi các công dân Nga'' của Lênin, tuyên bố chính quyền nhà nước đã thuộc về Xô viết công nhân và binh lính Pê-tô-grat. Tuần dương hạm Rạng Đông trên sông Nê-va ở thủ đô Pê-tô-grat, bắn một phát đại bác. Tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã tuyên bố với toàn nhân loại về một kỷ nguyên mới, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Ngay sau đó cuộc chiến đấu đánh chiếm Cung điện Mùa Đông bắt đầu. Tiếp theo tiếng pháo, đội xích vệ và anh em thủy thủ đã xông vào Cung điện Mùa Đông, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Phần lớn các quan chức của Chính phủ lâm thời đều bị bắt. Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kê-ren-xki đã kịp bỏ trốn. 2 giờ sáng ngày hôm sau, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn chiếm lĩnh được Cung điện Mùa Đông. Cách mạng thắng lợi, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã bầu ra được Chính phủ cách mạng mới, do Lênin làm Chủ tịch. Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Sau cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi tại Pê-tô-grat, quân đội trung thành với Chính phủ lâm thời vẫn bám trụ trong Cung điện Krem-lin tại Mat-xcơ-va. Ngày 11/11, đội xích vệ bắn đại bác phá vỡ một đoạn tường của Điện Krem-lin và sau 4 ngày chiến đấu, tòa thành cổ này mới thuộc về nhân dân. Một lá cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên bầu trời Điện Krem-lin. Từ tháng 10/1917 đến tháng 2/1918 (theo lịch Nga) khởi nghĩa các nơi liên tiếp giành được thắng lợi và các chính quyền Xô viết tiếp tục được thành lập. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng theo tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông lan truyền trên nhiều nước khắp các châu lục Âu, Á và Mỹ Latinh. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, sau đó, trên thế giới có nhiều nước đã chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Bác Hồ của chúng ta thời gian này đang hoạt động ở châu Âu, ngày 7/11/1917, một sự kiện lịch sử trọng đại “làm rung chuyển thế giới” đã nổ ra ở nước Nga. Đó là sự bùng nổ và thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản do Đảng Bôn-sê-vích, đứng đầu là Lênin lãnh đạo. Cuộc cách mạng đã đập tan bộ máy cai trị của giai cấp tư sản Nga, thiết lập nên Nhà nước Xô viết - nhà nước kiểu mới trong lịch sử loài người: Nhà nước công - nông.
Gần tròn một thế kỷ trôi qua, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với nhân dân lao động, những người cách mạng, lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nói về ý nghĩa đặc biệt to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong lịch sử loài người chưa có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Như Nguyễn