Mỹ công bố đòn trừng phạt mới với Cuba và Venezuela, EU “nóng gáy”

Quốc tế - Ngày đăng : 16:04, 18/04/2019

Biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ với Cuba, Venezuela, Nicaragua gây rạn nứt quan hệ với đồng minh của Washington tại Châu Âu và Châu Mỹ Latinh.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Cuba và Venezuela, Nicaragua nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

                
      
      Cố vấn An ninh Mỹ    John Bolton (Ảnh: Shutter Stock).

Đòn trừng phạt mạnh tay hơn

Phát biểu trong một sự kiện tại Miami, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nêu rõ, Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các cơ quan quân đội và tình báo của Cuba, trong đó có một hãng hàng không do quân đội sở hữu, để áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung, thắt chặt lệnh cấm đi lại và giao thương tại quốc đảo này. Ông Bolton nói thêm: “Động thái này là tín hiệu cảnh báo rằng tất cả những đối tượng hay tổ chức hợp tác với cơ quan quân đội và tình báo của Cuba sẽ không được dung thứ”. Ông cũng cho biết: “Bộ Tài chính sẽ thực hiện những thay đổi về quy định để hạn chế việc đi lại tới Cuba”.

Theo ông John Bolton, Mỹ đang áp đặt trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của Venezuela để ngăn chặn ngân hàng mà ông cho là đóng vai trò thiết yếu giúp Tổng thống Maduro giữ vững quyền lực này, tiếp cận với đồng USD.

Ngoài ra, ông Bolton cũng công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nicaragua. Theo đó, Mỹ sẽ đánh vào lĩnh vực tài chính của chính quyền Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và trừng phạt ngân hàng Nicaragua, Banco Corporativo SA (BanCorp). Ông cáo buộc BanCorp là “quỹ đầu tư của ông Ortega”, nhằm tạo “vỏ bọc che giấu hành động tham nhũng của vị Tổng thống này”.

Không chỉ cáo buộc Cuba dùng lực lượng an ninh của mình ở Venezuela để chống lưng cho ông Maduro, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ còn cảnh báo “tất cả các tác nhân bên ngoài, trong đó có Nga” không điều động trang thiết bị quân sự để hỗ trợ nhà lãnh đạo Venezuela.

“Mỹ sẽ coi những hành động khiêu khích đó là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực,” ông Bolton nói, lưu ý rằng Moscow gần đây đã điều các máy bay quân sự chở 35 tấn hàng hóa và triển khai một trăm binh sỹ tới Venezuela.

Thông báo của Cố vấn John Bolton được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày tuyên bố sẽ thực thi Điều khoản 3 của Đạo luật Helms-Burton, cho phép công dân Mỹ đệ đơn kiện các công ty nước ngoài đang kinh doanh trên những tài sản của người Mỹ tại Cuba đã bị chính phủ Cuba tịch thu và quốc hữu hóa sau cuộc cách mạng năm 1959.

Giới chức Cuba đã lên tiếng chỉ trích Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này, đồng thời đề xuất tiến hành đàm phán giữa hai bên để bồi thường cho các công ty Mỹ có tài sản bị tịch thu tại Cuba. Trong một tuyên bố đăng tải trên trang cá nhân Twitter ngày 17/4, ngay sau tuyên bố của ông Bolton, Chủ tịch Cuba Diaz-Canel Bermudez đưa ra thông điệp đáp trả cứng rắn, song không chỉ đích danh Mỹ:  “Chúng tôi sẽ không thay đổi thái độ đối với những kẻ cầm gươm chống lại chúng tôi. Người Cuba sẽ không đầu hàng và cũng không chấp nhận những quy định nằm ngoài hiến pháp của chúng tôi. Chúng luôn tin tưởng vào sức mạnh và sự đoàn kết của Cuba”.

Về phần mình, Tổng thống Maduro cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “hoàn toàn bất hợp pháp”. “Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có giá trị riêng và tất cả các quốc gia đều tôn trọng họ”. Ông nhấn mạnh, ngân hàng trung ương Venezuela sẽ “đối đầu và đánh bại các lệnh trừng phạt”.

Vấp phải sự phản đối của đồng minh

Reuters cho biết, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm những quan chức có quan điểm cứng rắn với Cuba vào nhiều vị trí cấp cao trong chính quyền. Trước đó, Cố vấn An ninh Mỹ Bolton đã đưa Mauricio Claver-Carone, nhân vật từng phản đối gay gắt chính sách hòa giải của cựu Tổng thống Obama với Cuba, làm cố vấn cấp cao phụ trách Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng, quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại Châu Âu và Châu Mỹ Latinh vốn có quan hệ tốt với Havana.

Trong một tuyên bố chung đưa ra hôm 17/4, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland khẳng định, việc Mỹ áp đặt những biện pháp đơn phương với Cuba, vượt ra ngoài lãnh thổ của Mỹ là hành động trái với luật pháp quốc tế. “Chúng tôi quyết tâm hợp tác để bảo vệ lợi ích cho các công ty của chúng tôi dưới sự bảo trợ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngăn cản việc thực thi và công nhận các phán quyết của nước ngoài căn cứ vào Đạo luật Helms-Burton của Mỹ, cả ở Liên minh Châu Âu lẫn Canada. Quyết định của Mỹ cho phép khởi kiện các công ty nước ngoài đang làm ăn với Cuba chỉ có thể dẫn đến những hoạt động pháp lý không cần thiết”.

Riêng Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh “Canada thất vọng sâu sắc về tuyên bố của Mỹ”. Bà cho biết đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để bày tỏ về những mối lo ngại của Canada.

Tập đoàn khai thác khoáng sản Sherritt International của Canada và chuỗi khách sạn Melia International của Tây Ban Nha nằm trong số những công ty nước ngoài đầu tư lớn vào Cuba. Nhiều công ty của Mỹ, trong đó có các hãng hàng không và công ty du lịch cũng thiết lập giao dịch kinh doanh với Cuba kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Obama nới lỏng lệnh cấm vận. Không rõ các tòa án Mỹ sẽ thụ lý các đơn kiện về tài sản bị tịch thu tại Cuba như thế nào, bởi nhiều trong đó là các vấn đề pháp lý rất phức tạp.

Trợ lý cho Ngoại trưởng Mỹ về Tây Bán cầu Kim Breier nói rằng, một ủy ban chính phủ Mỹ đã xác nhận gần 6.000 đơn kiện đòi tài sản bị tịch thu tại Cuba với giá trị hiện tại lên đến 8 tỷ USD. Số lượng các vụ kiện chưa xác thực có thể lên đến 20.000 với trị giá tài sản hàng chục nghìn tỷ USD. Bà Kim Breier cho biết sẽ không có việc miễn trừ trong thực thi Điều khoản 3 của Đạo luật Helms-Burton và khẳng định, các công ty châu Âu đang hoạt động ở Cuba sẽ không có gì phải lo lắng nếu họ không hoạt động trên khối tài sản của công dân Mỹ bị tịch thu tại Cuba sau cuộc cách mạng năm 1959.

Hồng Anh/VOV