Không có “kế hoạch B”, Italy mong mỏi lệnh phong tỏa phát huy tác dụng
Quốc tế - Ngày đăng : 15:17, 19/03/2020
Hơn 60 triệu dân đang sống trong lệnh phong tỏa chặt chẽ và vẫn đang được siết chặt thêm từng ngày. Các cửa hàng đóng cửa, cảnh sát đi tuần tra với số lượng lớn chưa từng thấy và buộc các gia đình đang đi dạo bên ngoài phải trở về nhà, để đảm bảo không ai đi ra ngoài mà không có các lý do hợp lý.
Các y bác sỹ bác sỹ mặc đồ bảo hộ khi di chuyển bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Reuters |
Tuy vậy, số trường hợp nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tại nước này đang ngày càng tăng. Hiện Italy đã ghi nhận 35.713 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 2.978 ca tử vong.
Phần lớn số ca mắc bệnh tập trung ở khu vực miền Bắc, nơi hàng trăm thi thể đang chờ được hỏa thiêu do dịch vụ tang lễ ở thời điểm này đang bị cấm một cách nghiêm nhặt.
Trong khi đó, những người đang sống cũng phải “xếp hàng chờ đợi” khi các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại các bệnh viện quá đông. Nhiều y, bác sỹ bị nhiễm virus do thiếu đồ bảo hộ cần thiết.
Rất nhiều người tự đặt câu hỏi rằng mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào và liệu cái giá phải trả về kinh tế của sự phong tỏa là có đáng không. Có những dấu hiệu tích cực rằng số ca mắc mới ở “vùng đỏ” ban đầu ở miền bắc Italy có thể giảm dần, tuy nhiên các chuyên gia nói rằng, vẫn còn quá sớm để xem đây là một xu hướng đáng tin cậy.
Chưa có dấu hiệu tích cực
Hiện có hơn 2.000 người trong các đơn vị chăm sóc sức khỏe đặc biệt trên khắp Italy – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất ở Châu Âu – theo các số liệu chính thức mới nhất. Hầu hết những người này tập trung chủ yếu ở Lombardy, nơi mà cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu bùng phát ngày 23/2.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sẽ có thêm các điểm nóng mới ở khu vực miền nam, nơi mà cơ sở hạ tầng vốn yếu hơn và người dân vẫn chưa bị phong tỏa chặt chẽ như khu vực miền Bắc.
Giorgio Palù, Giáo sư về virus học và vi trùng học của Đại học Padova, nói với CNN rằng ông đã hy vọng có thể nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi sau 1 tuần lệnh phong tỏa được thực hiện trên cả nước, nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.
“Hôm qua, chúng tôi đã hy vọng có sự thay đổi sau gần 10 ngày kể từ khi áp lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng số ca mắc mới của ngày hôm sau vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với ngày hôm trước. Vì thế tôi không nghĩ chúng ta có thể đưa ra dự đoán gì hôm nay”, giáo sư Palù nói.
Theo ông Palù, nhìn vào biểu đồ số ca mắc mới, phần dốc của đường cong vẫn theo hướng đi lên, khiến cho chúng ta khó có thể dự đoán được khi nào thì lệnh phong tỏa bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khi sự bùng phát vẫn tập trung ở miền Bắc, cũng vẫn khó có thể so sánh giữa các vùng với nhau. “Virus không có biên giới, và nó cũng không phải chỉ ở Italy”, ông nói.
Tuy nhiên, ông tin rằng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phong tỏa nếu mọi người đều có ý thức hợp tác.
Theo ông Palù, lệnh phong tỏa lẽ ra nên được áp dụng sớm hơn, rộng rãi hơn, hơn là chỉ tập trung vào 11 khu vực ban đầu trong “vùng đỏ”. Và nó cũng nên được siết chặt hơn nữa.
“Chẳng có ý nghĩa gì trong việc cố đi tới siêu thị 1 lần/tuần. Bạn phải hạn chế thời gian ra ngoài, tự cách ly là yếu tố chủ chốt”.
Ông Palù cho rằng chính phủ Italy đã chậm trễ ngay từ đầu.
“Có một đề xuất về việc cách ly lập tức những người đến từ tâm dịch, đến từ Trung Quốc. Khi đó điều này lại bị coi là cực đoan, nhưng họ là những người đến từ vùng dịch và chính sự chậm trễ đã dẫn đến tình hình hiện nay”, ông nói.
Căng mình chống dịch
Giáo sư Alessandro Grimaldi, Trưởng Khoa các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Salvatore ở L’Aquila, hiện đang điều trị cho Chiara Bonini - một bác sỹ 26 tuổi đến từ Bergamo.
Hai tuần sau khi Bonini nhiễm SARS-CoV-2 từ bạn trai mình, cô bác sỹ này đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên cô vẫn bị cách ly cho đến khi có kết quả âm tính lần thứ 2. Đến khi đó, cô mới có thể trở lại làm việc.
“Ở Lombardy, quê nhà tôi, hệ thống y tế đã sụp đổ”, cô nói với CNN, đồng thời cho biết thêm, các bác sỹ phải lựa chọn để quyết định sẽ điều trị cho ai. “Ở đó không có đủ các thiết bị. Họ chọn những người trẻ - một quy tắc y khoa trong việc cố gắng cứu những người có nhiều khả năng sống sót hơn”.
Một nữ y tá Italy tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại bàn làm việc. Ảnh: Reuters |
Giáo sư Grimaldi nói rằng, cách duy nhất để tránh cho hệ thốngy tế khỏi bị sụp đổ là tăng cường các nguồn lực.
“Có lẽ chính phủ nên nghĩ về điều này từ trước, chuẩn bị tốt hơn. Nhưng nếu bạn không thấy tình hình cấp bách trước mắt thì bạn sẽ tìm cách bỏ qua nó”, ông nói.
Grimaldi nói rằng nếu không được bổ sung thêm nguồn lực, các bác sỹ sẽ tiếp tục phải căng mình để chống đỡ. “Italy hiện giờ đang nằm trong tay các y, bác sỹ: Có một nhóm làm việc ở tuyến đầu đang chiến đấu vì bệnh nhân. Chúng tôi là những chiến sỹ chiến đấu vì đất nước mình. Nếu chúng tôi có thể chấm dứt dịch bệnh ở Italy, chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh ở châu Âu và thế giới”.
Ông cũng đồng ý rằng cách duy nhất lệnh phong tỏa phát huy tác dụng là nó có bắt buộc một cách cứng rắn hay không. “Chiến đấu với một kẻ thù như thế này còn khó hơn bất cứ ai. Trung Quốc cho chúng ta thấy cần phải có các biện pháp quyết liệt”.
Alessandro Vergallo, một chuyên gia về chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, nói rằng ông đã lo ngại EU chậm trễ trong việc cứu vãn nền kinh tế.
“Tất nhiên, chính phủ Italy đã phản ứng nhanh chóng hơn và tốt hơn nhiều nước khác ở châu Âu trong khi rất nhiều nước khác vẫn còn đang lúng túng”, ông nói.
Ông Vergallo cảnh báo rằng cuộc sống bình thường sẽ không trở lại trong vòng vài tháng.
“Chúng tôi đang cố tìm hiểu xem khi nào tình huống làm phẳng đường cong có thể xảy ra. Do đây là loại virus mới, rất khó có thể làm sáng tỏ các dữ liệu. Hy vọng đến 26/3, chúng ta có thể thấy số ca mới mắc giảm. Tôi nghĩ nhiều cơ quan của EU đang lo sợ sự tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu sẽ lớn hơn so với hậu quả của virus. Giờ đây chúng ta đang phải trả cái giá khá đắt, cả về con người lẫn kinh tế”.
Lệnh phong tỏa khiến đời sống xã hội ở Italy trở nên căng thẳng hơn. Người dân lo ngại và nền kinh tế lao đao. Ở miền đông, nơi lẽ ra đã khởi động mùa du lịch truyền thống, nhưng tất cả đã bị hoãn, hủy. Điều này đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào khó khăn. Nhiều công ty thậm chí tuyên bố sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Khi mà nhiều cá nhân, nhiều công ty phá sản vì các khoản nợ, các ngân hàng sẽ phải trợ giúp và tác động domino của cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài thậm nga cả khi dịch bệnh kết thúc.
Hoàng Phạm/VOV