Sôi động thị trường Tết ông Công ông Táo
Trong nước - Ngày đăng : 17:04, 20/01/2017
Năm nay, các mặt hàng đồ cúng, ông Công, ông Táo được đánh giá là đẹp hơn, đa dạng hơn trong khi mức giá gần như không thay đổi so với năm trước.
Hầu hết mọi nhà dân đều mua vàng mã cúng Tết ông Công ông Táo |
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Hợp Nhất…, các mặt hàng phục vụ Tết ông Công, ông Táo được bày bán rất nhiều, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như: bộ táo quân, thần linh, quần áo, mũ, hài, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, kinh doanh vàng mã tại chợ Trung Kính cho biết, từ rằm tháng Chạp, người dân đã đi mua sắm đồ cúng cho ngày Tết ông Công, ông Táo và đêm giao thừa. Giá cả năm nay cũng chỉ tương đương năm ngoái. Một bộ đầy đủ gồm quần áo, tiền vàng, cá chép, giấy... được bán giá thấp nhất từ 35.000 đồng cho đến 250 nghìn đồng tùy loại lớn, bé. Ngựa giấy từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng/con, quần áo từ 10.000 đến 20.000 đồng/bộ...
Cá chép sống là vật phẩm không thể thiếu trong đồ lễ cúng ông Công, ông Táo được nhiều người dân mua để phóng sinh sau khi cúng. Theo chị Phạm Thị Hiền, tiểu thương bán cá chợ Hợp Nhất (Cầu Giấy), lượng cá năm nay ít hơn và đắt hơn so với năm ngoái do ao hồ bị san lấp nhiều, muốn phóng sinh cá, người dân phải đi xa nên nhiều người chọn cúng cá chép giấy.
Giá hoa, quả cũng tăng giá từng ngày do nhu cầu của người dân tăng cao dịp giáp Tết Nguyên đán. Hiện nay, nhiều người chọn mua các đồ lễ phẩm như gà cúng, xôi, hoa quả hay các thực phẩm tươi sống làm sẵn…
Cá chép vàng năm nay đắt hơn do lượng cá ít hơn so với mọi năm |
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc thường còn cúng 3 con cá chép còn sống thả trong chậu nước, sau đó "phóng sinh" ra ao, hồ hay ra sông sau khi cúng. Ở miền Trung, người dân cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu, xào..) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Quân. Năm nay, đa số người dân làm lễ tiễn ông Công ông Táo đúng ngày.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, ở khu chung cư Trung Hòa-Nhân Chính cho biết, theo truyền thống, năm nào gia đình bà cũng cúng tiễn ông Công, ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng chạp. Trước đó, ban thờ và gian bếp phải được lau dọn sạch sẽ.
Ngày này thường mọi người cầu xin sức khỏe, may mắn cả năm, mọi điều đều thuận buồm xuôi gió.
Kim Thanh/VOV