Tranh cãi “nảy lửa” vụ truy thu 1.200 tỷ đồng tại Habeco, Sabeco

Trong nước - Ngày đăng : 14:38, 07/04/2017

Về vụ việc Sabeco và Habeco bị truy thu hơn 1.200 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang có những ý kiến trái chiều.

Hồi đầu năm ngoái (28/1/2016), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có công văn phát hành báo cáo kiểm toán ngày 27/1/2016 của KTNN Khu vực I đối với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong đó KTNN kiến nghị số thuế TTĐB phải nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) của doanh nghiệp (DN) này là 920,2 tỷ đồng.

                
      
      Vụ truy thu thuế TTĐB    tại hai "ông lớn" ngành bia vẫn đang gây tranh cãi và chưa nhận được    sự đồng thuận từ Bộ Công Thương

Đây là số thuế TTĐB của Habeco và các đơn vị thành viên bị truy thu trong giai đoạn 2012-2015 sau đợt kiểm toán của KTNN diễn ra từ 28/9-26/11/2015.

Theo KTNN, về hình thức hợp tác sản xuất kinh doanh, mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Habeco cũng tương đồng với mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Sabeco, nên việc truy thu thuế TTĐB đối với Habeco là phù hợp. (Về phía Sabeco, DN này cũng bị truy thu hơn 408 tỷ đồng thuế TTĐB năm 2013).

Việc xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành thoái vốn bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, trong một văn bản trình lên Thủ tướng ngày 10/3/2017, Bộ Công Thương khẳng định, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Habeco và Sabeco đã chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của Nhà nước về nghĩa vụ thuế TTĐB.

Bộ Công Thương còn "tố" ngược lại rằng, các kiến nghị truy thu bổ sung thuế TTĐB cho giai đoạn 2012-2015 của Habeco mà phía KTNN đưa ra "dựa trên các giải thích khác với hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế".

Trước đó, vào hồi tháng 8/2016, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo lên Thủ tướng, "kêu hộ" cho Habeco về vấn đề này. Cơ quan này cho rằng, việc không nhất quán trong việc xác định nội dung và hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB giữa các cơ quan Nhà nước là Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ có ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và niềm tin của DN đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Riêng đối với Habeco và Sabeco đang trong quá trình triển khai thoái vốn Nhà nước, theo Bộ Công Thương, việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Habeco cũng như niềm tin của nhà đầu tư trong quá trình tham gia cổ phiếu.

Hơn nữa, việc xác định rõ nội dung kết luận của KTNN đối với thuế TTĐB của hai DN sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hạch toán và quyết toán hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phân phối lợi nhuận và chia cổ tức của Habeco và Sabeco trong giai đoạn từ 2007 đến trước ngày 1/1/2016. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới việc xác định giá trị DN khi tiến hành thoái vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại Habeco và Sabeco.

Điểm đáng chú ý là trong khi Bộ Công Thương "kiến nghị hộ" cho DN thì đến cuối tháng 10/2016, báo cáo của KTNN lên Thủ tướng Chính phủ cho biết, Habeco đã nộp đầy đủ số tiền 931,5 tỷ đồng (trong đó, thuế TTĐB là 920 tỷ đồng) vào NSNN. Và thông tin từ KTNN cho hay, "Habeco không có khiếu nại về nội dung truy thu thuế TTĐB".

Một văn bản báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng hồi đầu tháng 11/2016 nêu quan điểm rằng, do không có khiếu nại từ Habeco nên Bộ Tài chính thấy không còn cần thiết phải họp trao đổi với các bộ về vấn đề này.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn không chịu "khuất phục" trước những lý lẽ của Bộ Tài chính và KTNN. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc nói "các DN đã nộp đủ và không có khiếu nại" là chưa đúng với thực tế. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đánh giá, Bộ Tài chính chưa đề cập đến trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế TTĐB tại Habeco và Sabeco, cũng như trách nhiệm đối với kết luận của KTNN.

Đề nghị Thủ tướng xem xét lại kết luận của kiểm toán

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng có ý kiến kết luận về sự tuân thủ pháp luật giữa hướng dẫn của Bộ Tài chính và kết luận của KTNN trong việc thực hiện quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế TTĐB tại Habeco và Sabeco.

Theo đó, trong trường hợp Habeco và Sabeco không vi phạm các quy định của Nhà nước và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng có ý kiến để KTNN điều chỉnh kết luận không truy thu bổ sung thuế TTĐB đối với Habeco và Sabeco.

Còn trong trường hợp theo kết luận của KTNN, mà việc hướng dẫn của Bộ Tài chính không đúng quy định của Luật thuế TTĐB, Bộ Công Thương cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nước ngoài, đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn vốn để nộp thuế TTĐB bổ sung được trích từ lợi nhuận chưa phân phối tương ứng với phần vốn thuộc sở hữu của Nhà nước; hoặc việc thu thuế TTĐB sẽ được thực hiện từ năm sau kết luận của kiểm toán.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ và thống nhất về trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB của các cơ quan nhà nước.

Được biết, về vấn đề này, ngày 27/3 vừa rồi, sau khi nhận được kiến nghị mới nhất từ Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và KTNN có ý kiến bằng văn bản và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 5/4/2017 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, vụ việc tưởng như đã "êm xuôi" sau khi DN chấp nhận nộp thuế truy thu và không hề có ý kiến gì, nhưng tranh cãi giữa Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng có liên quan vẫn chưa dừng lại.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang đại diện cho cổ đông Nhà nước nắm 82% vốn tại Habeco và 89% vốn tại Sabeco. Mặc dù đã lên kế hoạch thoái vốn đợt 1 từ cuối năm 2016, tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp này mới "lên sàn" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch thoái vốn vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo Bích Diệp/Dân Trí/VOV