Bất cập dự án BOT ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đi rửa xe cũng thu phí
Trong nước - Ngày đăng : 10:08, 25/03/2017
Trong thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít những bất cập hạn chế trong việc đầu tư và vận hành khai thác như: Chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí…chưa hài hoà giữa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người dân trong khu vực dự án.
Trạm thu phí Quốc lộ 91. |
Bất cập nổi lên rõ nhất là trong qua trình vận hành khai thác tại một số trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 91. Trong đó tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau chỉ có chiều dài 180km nhưng có đến 3 trạm thu phí. Trên Quốc lộ 91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn giáp ranh với tỉnh An Giang có chiều dài khoảng hơn 40 km cũng đã có đến 2 trạm thu phí.
Điều này đã gây bức xúc cho chủ phương tiện khi có phương tiện chỉ sử dụng hơn 100m đường mà phải chịu phí cho toàn tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang bức xúc: "Chúng tôi có rất nhiều xe từ Long xuyên đi Rạch Giá, chỉ qua có cái ngách 100m mà thu phí đúng 100%. Rồi có những khu công nghiệp của Nam Việt thì xuất bến ra vào cũng bị đóng phí. Rồi có một số phương tiện của chúng tôi nằm tại lộ Tẻ đi qua lại, đi rửa xe cũng phải đóng. Tôi thấy rất là bất hợp lý".
Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 2 dự án giao thông theo hình thức BOT. Đó là dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và Dự án xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ- Phụng Hiệp.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND Tp Cần Thơ, việc thực hiện, thi công và vận hành hai dự án BOT trên địa bàn có nhiều hạn chế, bất cập; trong đó có việc thu phí; xe trốn trạm thu phí trên QL 1A, đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp mà đi sang đường khác khiến mặt đường bị xuống cấp và mất an toàn giao thông; chưa tính toán đầy đủ để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người dân trong khu vực dự án…
"Cử tri phản ảnh: đường này cũng chỉ là nâng cấp thôi chứ không phải làm mới nên người ta so sánh với nơi khác thì mức thu rất cao. Hiện nay, việc trốn trạm thu phí làm người dân ở khu vực đường này và chính quyền địa phương ở nơi đây cũng rất bức xúc do một là mất an toàn giao thông, thứ hai là đường xuống cấp rất là nhanh", ông Dũng nói.
Thời gian qua, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông chưa mang tính cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai, rộng rãi hoặc có đăng báo thì chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi. Những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ là thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường.
Trạm thu phí QL1: đoạn Cần Thơ- Hậu Giang. |
Nói về việc này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục quản lý đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đối với hình thức đầu tư PPP và cụ thể là BOT, thời gian vừa qua có 26/27 dự án chỉ định và một dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia, cuối cùng cũng chỉ định nốt.
Thậm chí là trước khi có giấy chứng nhận đầu tư thì đã triển khai dự án rồi; có những dự án, tôi thấy làm lễ khởi công rồi sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được được giấy trình lấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hiện nay cách chúng tôi làm cái giấy chứng nhận đầu tư hầu như là chỉ công nhận việc bên A và bên B có hợp đồng và chứng nhận khoản đầu tư đó".
Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại buổi làm việc với thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội(UBTVQH) đã ghi nhận những ý kiến kiến nghị của nhà đầu tư BOT trên địa bàn thành phố Cần Thơ và ý kiến đóng góp các giải pháp để đưa công trình BOT trên địa bàn khai thác tốt tiềm năng, bên cạnh là các giải pháp hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư, chính quyền và nhân dân.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: "Khâu quản lý và khai thác dự án, việc phối hợp có vấn đề. Đầu tiên là về thực hiện chức năng quan lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thứ hai là trạm thu phí có vấn đề. Vấn đề này Bộ giao thông Vận tải phải chủ động cùng với địa phương và nhà đầu tư để đưa ra một giải pháp thoả đáng, làm sao đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư, nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi của các đối tượng sử dụng dự án của mình".
Thiết nghĩ, để phương thức đầu tư dự án BOT giao thông có hiệu quả, cần phải có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu phí gặp nhiều khó khăn, xem xét ban hành Luật chuyên ngành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh vững chắc cho doanh nghiệp, cũng như quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Phan Ánh/VOV