Thu hồi sân Golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là hoàn toàn khả thi
Trong nước - Ngày đăng : 10:47, 13/06/2017
Những ngày qua, dư luận cả nước lại nóng lên với vấn đề sân Golf nằm trong diện tích sân bay Tân Sơn Nhất. Dù sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải và đang cần thiết phải cải tạo, mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không.
Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội hôm 8/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa lại cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, tức là nơi có sân Golf diện tích 157ha là không khả thi. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học, việc thu hồi sân Golf này để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là hoàn toàn có thể.
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất –Hoàn toàn khả thi
Sân golf Tân Sơn Nhất với diện tích 157 hecta, 10 năm qua, các hạng mục của sân golf hiện đại và tầm cỡ này đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động. Theo quy hoạch của sân golf này, diện tích làm sân golf và các công trình phụ trợ chiếm tới 132 hecta, trong đó khu căn hộ, biệt thự chiếm 9,7 hecta; khu khách sạn nhà hàng và trường học chiếm 7 hecta, số còn lại làm sân golf với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM – HASCON đã tính toán, với 2 đường băng hiện tại của Tân Sơn Nhất đủ điều kiện để phục vụ 80 triệu hành khách mỗi năm và không cần thiết phải xây dựng thêm đường băng nữa.
Bản đồ hiện trạng sân bay, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. |
Theo tiến sĩ Phúc, phải chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu nếu lấy 157 hecta của sân golf thì có thể mở thêm nhà ga, sân đỗ, đường lăn và hoàn toàn có thể đáp ứng lưu lượng 56 triệu hành khách mỗi năm.
“Với 157 hec-ta này thừa sức để làm thêm 3 nhà ga, 80 bãi đậu và đường lăn, và chúng tôi nói thẳng là chỉ cần giải phóng sân golf là có thể nâng cấp lên 56 triệu hành khách/năm”, TS Nguyễn Bách Phúc nói.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia kỹ thuật hàng không thì việc sử dụng 157 hecta đất của sân bay làm sân golf là hết sức phi lý bởi diện tích đất này hoàn toàn có thể sử dụng để mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Khu nhà vui chơi giải trí trong khuôn viên sân bay Tan Sơn Nhất. |
Đặc biệt, nếu lấy được diện tích này để làm nhà ga, sân đỗ, đường lăn thì hoàn toàn hợp lý để kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông giữa đường Tân Sơn nối ra đường Trường Chinh và đường Quang Trung. Hai trục đường này nối sân bay Tân Sơn Nhất ra quốc lộ 1A chỉ hơn 2 km và đảm bảo giải tỏa, đón đưa hành khách nhanh chóng, thuận lợi.
“Nếu như giải tỏa sân golf thì xây nhà ga phía bên kia và có 2 lối vào cho sân bay, giải tỏa tắc nghẽn giao thông đi vào phía thành phố và mở ra phía bên kia nối đường Quang Trung sẽ bớt nghẽn cho thành phố, giảm cho cả giao thông trên mặt đất quanh sân bay, có thể nói chuyển sân golf lại cho hàng không dân sự thì rất tốt cho sân bay Tân Sơn Nhất”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia kỹ thuật hàng không phân tích.
Nhiều cuộc họp bàn về phương án mở rộng sân bay này. |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thiện Tống, cái nghẽn hiện nay, quá tải hiện nay chỉ mới ở chỗ đỗ máy bay thôi, còn phải xây thêm nhà ga hành khách và điều quan trọng nữa là nếu giải tỏa sân golf thì sẽ xây nhà ga phía bên kia và có 2 lối vào phía sân bay, giải tỏa nghẽn giao thông đi vào phía thành phố, thì như vậy có thể nói chuyển sân golf lại cho hàng không dân sự thì rất tốt cho tân Sơn Nhất chứ sao lại nói không khả thi.?
“Điều ai cũng biết rất rõ là sân golf gần 160 hecta đã sử dụng 1 cách không hợp lý, không đúng chức năng của sân bay gì hết thì không những diện tích 160 hecta đó mà còn nhiều diện tích khác quanh sân bay bởi vì Cục hàng không cũng không rõ ràng diện tích mà hàng không dân dụng sử dụng là bào nhiều, phải có diện tích rõ ràng. Nhưng nói gì thì nói, tổng số diện tích Tân Sơn Nhất sau năm 1975 là 1.500 hecta, bây giờ những ai đi quanh sân bay mới thấy hàng rào của sân bay bị lấn và dời vào trong 1 cách vô lý, cái đó Cục hàng không dân dụng, quản lý sân bay, kể cả thành phố, quận tân bình phải tìm cách giải quyết”, TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Theo các chuyên gia, giải phóng sân Golf thì Tân Sơn Nhất đã có thể nâng công suất lên 56 triệu lượt hàng khách mỗi năm mà không cần phải bỏ tiền ra để mở rộng phía khu dân cư bên ngoài. |
Sẽ mở đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất
Trức sự cấp thiết phải nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chiều 12/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tham dự cuộc họp còn có các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ TN-MT và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Những lúc cao điểm, máy bay phải nối đuôi nhau xếp hàng đợi đến lượt cất cánh. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất ghi nhận và trân trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri và các nhà khoa học, các cơ quan báo chí, ý kiến của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Quốc phòng và đơn vị tư vấn của hàng không báo cáo về vấn đề liên quan đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng giao cho Bộ GTVT chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đường băng số 3 với thời gian nhanh nhất, trung thực, hiệu quả nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất.
Thủ tướng giao cuối năm 2017, tư vấn nước ngoài phải báo cáo lại tập thể Thường trực Chính phủ về chủ trương, kết quả đánh giá, khảo sát việc mở rộng Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu cần Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.
“Tinh thần là sẽ mở rộng đường băng số 3, không quan trọng việc có thu hồi đất sân golf hay không, không quan trọng mở rộng phía Bắc hay phía Nam mà cứ chỗ nào mở rộng được thì tính toán, xem xét”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh tiến độ để đầu tư dự án sân bay Long Thành./.
Năm 2016, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đạt 33 triệu lượt hành khách, vượt 28% công suất. Với việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở rộng, nâng cấp, làm thêm nhà ga, đường lăn, bãi đậu thì chắc chắn cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ dễ dàng nâng thêm công suất, giải tỏa nhanh hành khách đi và đến trong những dịp cao điểm bay trong năm.
Không phải bây giờ mà ngay khi manh nha dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bộ Giao thông vận tải cũng như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV đã có nghiên cứu và báo cáo về thực tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với sự khẳng định không thể mở rộng bởi nếu mở rộng thì riêng tiền giải tỏa đã trên 9 tỷ USD – thời giá năm 2011.
Tuy nhiên, trước việc nghiên cứu đánh giá nghiêm túc của các nhà khoa học thì hoàn toàn đây là báo cáo không có tính thực tế bởi sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể mở rộng, nâng cấp ngay trong diện tích đất của sân bay hiện có.
Hàng loạt Hội thảo, hội nghị liên quan đến dự án Sân bay Long Thành đã diễn ra từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, dư luận quan tâm nhất là cuộc họp báo thông tin về dự án sân bay Long Thành mà Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 10/10/2014.
Tại cuộc họp này, hầu hết các nhà khoa học, các nhà quản lý đều ủng hộ dự án xây sân bay Long Thành bởi không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nữa. Theo phân tích của lãnh đạo Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, họ đã nghiên cứu kỹ và rất khó để mở rộng bởi phải di dời giải tỏa hơn 140.000 hộ dân để làm thêm đường băng mới cũng như nhà ga để nâng công suất lên 40 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Phi Long/VOV