Vụ tàu vỏ thép mới đóng đã hư hỏng: Đây là tội ác, cần xử lý hình sự

Trong nước - Ngày đăng : 09:11, 10/06/2017

Không thể đổ thừa do yếu tố môi trường, nước biển mặn làm cho vỏ tàu bị rỉ sét được mà phải làm rõ, đây là một tội ác, cần điều tra và xử lý hình sự.
                
      
      Hàng loạt tàu vỏ thép    do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng    đã hư hỏng máy móc, gỉ sét hư hỏng phải nằm bờ chờ sửa chữa.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về thực trạng tàu thép chục tỷ nằm bờ, tập trung ở Bình Định. Theo các đại biểu thì không thể đổ thừa do yếu tố môi trường, nước biển mặn làm cho vỏ tàu bị rỉ sét được mà cần phải tập trung làm rõ, đây là một tội ác, cần điều tra và xử lý hình sự, đảm bảo tính răn đe.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, theo kết quả được công bố, các tàu vỏ thép của Bình Định bị các lỗi chính như vỏ tàu bị rỉ sét trầm trọng, tróc sơn, máy tàu có vấn đề. Trong 5 máy tàu bị hỏng thì có 4 máy không chính hãng, vỏ tàu bằng thép Trung Quốc trong khi hợp đồng nói là thép Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo đại biểu Hoàng, nên xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý quá trình đầu tư, các doanh nghiệp từ khâu hợp đồng. Phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỷ có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp cả đời mới gom góp được nguồn tiền như vậy.

                
      
      Đại biểu Trương Minh    Hoàng (Đoàn Cà Mau) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi    trường của Quốc hội.

“Vì lý do hám lợi, hám tiền mà các doanh nghiệp, các đơn vị, nhà cung cấp làm gian dối. Họ không thể đổ thừa do yếu tố môi trường, nước biển mặn làm cho vỏ tàu bị gỉ sét được. Tôi hoàn toàn không đồng tình với lý lẽ đó”, ông Hoàng khẳng định.

Từ đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng phải sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ việc. Thậm chí, các ngành chức năng phải vào cuộc tính toán, xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế.

                
      
      Mới nhận tàu được vài    tháng mà máy phát điện trị giá tiền tỷ trên tàu của ngư dân Trần    Minh Vương ở Phù Cát giờ thành cục sắt

“Tôi nghe bà con chia sẻ, máy móc hư hỏng nhưng thuê mướn để kéo tàu về đã tốn kém cả trăm triệu. Mặt khác, nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất còn lớn và nặng nề hơn”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết.

Còn theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định thì các đơn vị chức năng đã thiếu trách nhiệm trong việc giám sát thi công. Tôi thấy đây là một khoảng hở của nghị định, bởi, một công trình lớn thì phải có giám sát thi công, và hợp đồng giữa người dân với cơ sở đóng tàu là hợp đồng dân sự nhưng thiếu hẳn điều khoản giám sát việc thi công.

                
      
      Đại biểu Đỗ Văn Sinh    (Đoàn Quảng Trị).

Đoàn Quốc hội tỉnh đã đến gặp các chủ tàu. Họ không có điều kiện đi giám sát. Nếu họ cho đi giám sát thì trình độ đâu để giám sát, trong đó kinh phí không có, người dân bỏ ra.

“Đây là bài học cho chính quyền địa phương, cần phải tăng cường trách nhiệm hơn trong việc  hướng dẫn và tham gia với người dân trong việc này”, ông Hạnh nói.

Các đại biểu cũng cho rằng, Nghị định có nhiều điểm bổ sung phải hoàn thiện và phù hợp tình hình thực tế. Trong đó vấn đề xác định rõ trách nhiệm với các cơ quan ngành, chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm vào trong thực hiện chính sách lớn của Đảng và nhà nước, cần xử lý trách nhiệm những đơn vị làm ăn tắc trách, ảnh hưởng đến hoạt động đi biển của ngư dân.

                
      
      Tàu vỏ sắt BĐ 99004    TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới đóng đã gỉ sét như tàu đã    qua sử dụng lâu năm đang nằm tại cảng cá Đề Gi, tỉnh Bình Định để    chờ sửa chữa.

“18 - 20 tỷ đồng đóng 1 con tàu là  rất lớn, nếu không có sự quyết tâm của chính phủ cũng như người dân thì không đóng được con tàu lớn như thế. Những con tàu mang giá trị lớn về mặt vật chất, tinh thần. Đó là nỗi đau rất lớn không chỉ với người dân mà còn của Chính phủ. Nên theo tôi cần rà soát lại toàn bộ xem khâu nào có vấn đề thì phải xử lý”, đại biểu Lý Tiết Hạnh chia sẻ.

Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) khi được hỏi về  tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, về giải thích của cơ sở đóng tàu là “tàu bị han rỉ do nước biển mặn”, đại biểu Sinh cho rằng, đó là ngụy biện, lý do đó không thuyết phục, đóng tàu đi biển mà vỏ tàu hỏng do nước biển mặn là không ổn. “Vì khi tính toán đóng tàu anh phải đảm bảo con tàu đúng chất lượng để đi trên biển dài, nhiều năm, sao lại vừa đóng đã hỏng được?".

                
      
      Thiết bị cần trục kéo    lưới trên tàu vỏ thép BĐ - 99094 - TS do Công ty TNHH Đại Nguyên    Dương đóng mới đã hoen gỉ.

Đại biểu Sinh cho rằng: "Bài học đắt giá nhất ở đây là mất lòng tin. Ngay ở trong nước mà ta đã mất lòng tin với nhau thì chúng ta làm sao giữ lòng tin quốc tế. Sau đó là thiệt hại về kinh tế, đương nhiên trách nhiệm của người sản xuất tàu phải bồi hoàn, phải bỏ chi phí kép”.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị, sắp tới cần hỗ trợ pháp lý đối với những ngư dân để đảm bảo lợi ích cho người bị thiệt hại.

Phi Long/VOV