Vì sao Bộ Tư pháp yêu cầu Bộ Tài chính điều chỉnh thu phí chữ ký số?
Trong nước - Ngày đăng : 15:29, 22/05/2017
Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 305 quy định về việc thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số đối với các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (dịch vụ CA). Tuy nhiên, ngày 13/4 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu bãi bỏ những nội dung chưa đúng pháp luật trong văn bản này.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Theo kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, một trong những điểm chưa hợp lý trong Thông tư 305 là quy định đối tượng phải chịu phí là các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số. Thế nhưng, trên thực tế ngoài các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (doanh nghiệp CA), còn có các thuê bao là mua dịch vụ chứng thực chữ ký số. Do đó, Điều 2 thông tư trên quy định về đối tượng áp dụng là chưa đầy đủ.
Cũng theo kết luận này, tại điều 4 Thông tư 305 quy định về mức thu phí là 3.000 đồng/chữ ký số/tháng là không có cơ sở, không đảm bảo tính khả thi của văn bản.
Luật sư Lê Văn Hoan, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Văn, phân tích: Chứng thư số là con dấu mộc, giúp tạo ra các chữ ký số là con dấu chứng thực cho tư cách pháp lý của doanh nghiệp, tổ chức với cơ quan chức năng trong các giao dịch điện tử. Do đó, một chứng thư số có thể tạo ra vô số chữ ký số trên các văn bản mà doanh nghiệp giao dịch. Thông tư 305 quy định thu phí trên chữ ký số, chi phí phát sinh rất lớn và không phù hợp với thực tế. Trong trường hợp này, nếu muốn thu phí thì trên chứng thư số không được là chữ ký số.
Thông tư 305 quy định, đối với chữ ký số mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ số cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trước ngày 1/1/2017 thực hiện nộp phí từ quý 3 năm 2017. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đây là điều bất khả thi. Nguyên nhân là các hợp đồng ký trước ngày 1/1/2017 đã được doanh nghiệp quyết toán thuế từ những năm trước đó.
Ông Hứa Tiến Thành, phụ trách dịch vụ cung cấp chữ ký số, Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel, cho biết: Các hợp đồng trên Viettel đã thu tiền cung cấp dịch vụ trọn gói của khách hàng và được Viettel báo cáo thuế và thanh quyết toán thuế khi kết thúc năm 2016. Để thực hiện được Điều 7 của Thông tư 305, Viettel sẽ buộc phải thông báo thu thêm của khách hàng.
Tuy nhiên ông Thành cho biết, không có giải pháp nào thực hiện việc thu thêm tiền của khách hàng. Với số lượng 200.000 khách hàng của Viettel hiện nay, nếu theo thông tư, chi phí thực hiện là quá lớn.
Trả lời phóng viên Đài TNVN, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, việc sử dụng chưa đúng các từ "chữ ký số" và "chứng thư số" trong Thông tư 305 là do giữa cơ quan xây dựng Thông tư là Bộ Tài chính, cơ quan chuẩn bị nội dung là Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp chưa có cách hiểu giống nhau, gây "hiểu nhầm".
Về việc xử lý ra sao với các hợp đồng đã quyết toán thuế trước thời điểm ra Thông tư 305, nhưng vẫn còn thời gian cung cấp dịch vụ, ông Lã Hoàng Trung cho biết: Theo Nghị định 26 quy định và theo thực tế, 700.000 doanh nghiệp đang sử dụng chứng thư số là khách hàng của các CA, còn các CA là khách hàng của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia.
Ông Trung khẳng định, đối tượng thu phí là các CA không phải các thuê bao. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện, và báo cáo khi gặp khó khăn. Tránh trường hợp chưa làm đã kêu khó. Nếu thế thì mọi chính sách không thể thực hiện được.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), hiện nay có trên 580.000 tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng và hơn 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Ngoài ra, 70.000 doanh nghiệp sử dụng khai báo hải quan điện tử và 124.000 doanh nghiệp kê khai, đóng bảo hiểm xã hội điện tử. Tất cả các giao dịch điện tử này được thực hiện là nhờ chứng thư số, chữ ký số. Do vậy, việc thu phí cần đưa ra hướng dẫn cụ thể và lộ trình thu phí phù hợp, giúp thực hiện mục tiêu đẩy mạnh giao dịch điện tử, giảm thiểu thủ tục hành chính hướng đến Chính phủ điện tử.
Vân Anh/VOV