Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí
Trong nước - Ngày đăng : 15:18, 28/04/2017
TP HCM phấn đấu đến năm 2020 phát triển được 500.000 doanh nghiệp. Để đạt chỉ tiêu này, thành phố đang tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ kinh doanh còn ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế phức tạp và tốn thêm chi phí.
Anh Lê Minh ở quận Tân Bình làm dịch vụ tư vấn đầu tư với mức đóng thuế khoán 500.000 đồng/tháng. Dù đã tìm hiểu để chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhưng anh Minh lo lắng vì phải bố trí người làm kế toán và ít nhất 5 báo cáo tài chính đến các cơ quan hữu quan.
Nhiều hộ kinh doanh lo ngại khi lên doanh nghiệp mức thuế sẽ cao hơn. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo anh Minh, một số báo cáo không cần thiết đối với doanh nghiệp siêu nhỏ như: báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo hợp nhất và một số báo cáo khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất ngại việc quyết toán thuế, lưu trữ hồ sơ sổ sách, thanh tra, kiểm tra thuế… Nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng cần sửa đổi những quy định về kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ đơn giản hơn để dễ thực hiện.
“Qua nghiên cứu chuyển đổi thấy rằng sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, đó là chưa kể các khoản sổ sách, chứng từ phức tạp. Cá nhân muốn đề nghị được miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp mới chuyển đổi trong thời gian đầu, từ đó sẽ thu hút nhiều người chuyển đổi lên doanh nghiệp để có quyền lợi nhiều hơn”, anh Minh kiến nghị.
Theo Hội Tư vấn thuế Việt Nam, năm 2018 Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung luật liên đến đến thuế. Khi đó, Quốc hội cần sửa đổi những quy định về thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng đơn giản nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi sửa Luật, Bộ Tài chính nên ban hành thông tư hướng dẫn về thuế cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng giảm bớt các thủ tục không cần thiết. Bên cạnh thủ tục thì nhiều hộ kinh doanh cũng lo ngại khi lên doanh nghiệp vì lo mức thuế sẽ cao hơn mức thuế hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan thuế nên có cách tính sát thực tế, thuế suất của doanh nghiệp siêu nhỏ phải thấp hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức thuế đó phải gần với mức thuế mà hộ kinh doanh đang thực hiện, nhưng cũng tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đề nghị loại bỏ khâu trung gian là cán bộ thuế.
“Chúng ta nên đưa ra mức thuế gần với mức mà các hộ kinh doanh đang thỏa thuận với các bộ thuế và phải cao hơn. Không có phần của cán bộ thuế trong cuộc chia này mà chỉ có Nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng chỉ đóng thuế như mức hiện nay nhưng Nhà nước thu được nhiều hơn”, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp về bộ phận kế toán kê khai thuế, nhiều ý kiến cho rằng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ không nhất thiết phải có bộ phận kế toán vì tốn thêm chi phí. Các doanh nghiệp nên báo cáo thuế qua dịch vụ đại lý thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp về nghiệp vụ thuế, công nghệ… nhà nước cần có biện pháp giúp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế. Các đại lý thuế này thay doanh nghiệp kê khai thuế, hướng dẫn lập hóa đơn chứng từ, lập tờ khai, quyết toán thuế.
Để hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Thuế TP HCM đã có nhiều biện pháp tích cực. Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, hộ kinh doanh có thể vào website doanh nghiệp khởi nghiệp của Cục Thuế TP HCM để tham khảo các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán miễn phí, phần mềm miễn phí… Các dịch vụ luôn hỗ trợ miễn phí hỗ trợ cho doanh nghiệp 1 năm khi khởi nghiệp hay thành lập doanh nghiệp mới.
Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh thu nhập mỗi năm hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn đóng thuế khoán như những hộ kinh doanh khác là không hợp lý và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải chọn lọc những hộ có khả năng và tiềm năng phát triển, phải trên tinh thần tự nguyện. Có như vậy, TP HCM mới đạt chỉ tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Lệ Hằng/VOV