Hiệp định CPTPP sẽ là một cú hích đối với hợp tác Việt Nam và Chile

Trong nước - Ngày đăng : 10:25, 10/03/2018

Hiệp định CPTPP sẽ là một cú hích nữa để có thể đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, Việt Nam và Chile luôn phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị và đoàn kết. Mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đã liên tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng những tình cảm tốt đẹp và cam kết ủng hộ lẫn sau sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ hợp tác song phương và quá trình phát triển của mỗi nước.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, mà cả Việt Nam và Chile đều là thành viên sẽ là một cú hích nữa để có thể đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn:

                
      
      Phóng viên VOV phỏng    vấn Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn.

PV: Thưa Đại sứ, mối quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile đã tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong nhiều năm qua. Vậy những điểm nhấn trong mối quan hệ giữa hai nước là gì ?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Quan hệ giữa Việt Nam và Chile rất tốt đẹp. Hai nước đã thiết lập quan hệ từ năm 1971 dưới thời của tổng thống Salvador Allende. Từ đó tới nay, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ và mở rộng toàn diện trên các lĩnh vực.

Nếu nói về các điểm nhấn trong quan hệ giữa hai nước theo tôi có 3 điểm. Thứ nhất là quan hệ chính trị của hai nước rất tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và người dân Chile đều biết về cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam cũng biết rất nhiều về Chile, tổng thống Allende và tổng thống Bachelet.

Các Tổng thống Chile đều đã sang thăm Việt Nam như tổng thống Michele Bachelet hai lần sang thăm Việt Nam; Tổng thống Pinera sắp tới đây và trong nhiệm kỳ trước của mình 2010-2014 cũng đã thăm Việt Nam năm 2012. Như vậy có thể nói rằng quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp. Đó là điểm nhấn và thuận lợi thứ nhất trong quan hệ Việt Nam và Chile.

Điểm nhấn thứ hai đó là hai nước đã ký kết tất cả các hiệp định cần thiết để tạo một khung pháp lý vững chắc cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là ta và Chile đã ký hiệp định trao đổi thương mại tự do FTA năm 2012 và kể từ sau khí ký hiệp định này thì kim ngạch thương mại giữa hai nước đã phát triển rất ngoạn mục từ chưa tới 200 triệu USD năm 2005 đã tăng lên 1.3 tỷ USD năm 2017.

Ngoài ra hai nước cũng đã thiết lập được cơ chế về đối thoại chính trị, đối thoại kinh tế, họp hàng năm để điểm lại các lĩnh vực hợp tác của hai nước trong năm vừa qua, đồng thời định lại phương hướng cho những năm tiếp theo. Chúng ta có đầy đủ tất cả các cơ sở pháp lý cần thiết để mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư... giữa hai nước.

Điểm nhấn thứ ba đó là cả hai nước đều là những nền kinh tế rất mở. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và Chile là nền kinh tế cực mở và với việc ký Hiệp định CPTPP tại Chile mà hai nước chúng ta đều là thành viên thì một khi Hiệp định này có hiệu lực thì tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cú hích nữa để có thể đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. 3 điểm nhấn này là cơ sở vững chắc để chúng ta phát triển quan hệ trong tương lai.

PV: Với mối quan hệ lâu năm và hợp tác mật thiết như vậy, Chile đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới cũng như tại các tổ chức và hiệp định quốc tế như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà cả hai đều là thành viên thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Chile đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam không những tại khu vực Đông nam Á mà trên trường quốc tế và trong các diễn đàn đa phương, bằng chứng là hầu hết các Tổng thống của Chile đều đã sang thăm Việt Nam, thể hiện rõ là họ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông nam Á.

Thứ hai là trong các tổ chức đa phương thì Chile luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ủng hộ Việt Nam tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, các tổ chức liên khu vực khác. Điều này được thể hiện rất cụ thể như việc Chile ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền 2014-2016, Chile cũng đã ủng hộ Việt Nam vào ECOSOC 2016-2018 và Chile cũng đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực 2020-2021.

Ngược lại, chúng ta cũng đánh giá cao vai trò của Chile và luôn ủng hộ bạn ứng cử vào các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Chúng ta ủng hộ Chile ứng cử vào Hội đồng nhân quyền hai lần 2012-2014 và vừa rồi là 2018-2020. Chúng ta cũng ủng hộ Chile ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc 2016-2018.

Cả hai nước đánh giá cao vai trò của nhau và ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, trong các khuôn khổ như APEC, trong quá trình đàm phán để đi tới ký kết CPTPP thì Việt Nam và Chile luôn phối hợp với nhau rất tốt để thúc đẩy các tiến trình đàm phán đi đến kết quả.               

PV: Trong quan hệ với Chile, Việt Nam chú trọng và ưu tiên những lĩnh vực nào?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Bên cạnh việc chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ chính trị, văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên vốn đã rất tốt đẹp thì tôi nghĩ trọng tâm của năm tới có lẽ là tập trung và đẩy mạng hơn nữa quan hệ kinh tế mọi mặt giữa hai nước.

Hiện nay trao đổi thương mại đang tăng lên rất nhanh nhưng trong một số lĩnh vực như đầu tư thì vẫn còn khiêm tốn, hầu như Chile chưa có dự án đầu tư nào ở Việt Nam và Việt Nam cũng chưa có dự án đầu tư tại Chile. Chúng ta biết rằng khoảng cách địa lý giữa hai nước rất xa xôi nhưng tôi nghĩ rằng cũng do doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa biết nhiều về thị trường Chile và ngược lại, doanh nghiệp Chile cũng chưa biết nhiều về thị trường Việt Nam.

Do đó, một trong những nhiệm vụ chính của đại sứ quán và bộ phận thương vụ của Việt Nam tại Chile trong thời gian tới có lẽ là phải giới thiệu Việt Nam nhiều hơn, giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn đến doanh nghiệp Chile. Ngược lại, Chile cũng phải giới thiệu nhiều hơn về Chile đối với Việt Nam vì hai nước vẫn còn tiềm năng rất lớn. Nhiệm vụ chính của chúng tôi trong thời gian tới là mở rộng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cũng như trao đổi các sản phẩm sản xuất.

PV: Hiện Chile đã có Tổng thống mới, vậy chính quyền mới ở Chile coi trọng mối quan hệ với Việt Nam như thế nào và triển vọng phát triển hợp tác giữa hai nước trong những năm tới sẽ ra sao?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Ngày 11/3, Tổng thống Bachelet sẽ bàn giao chính quyền cho Tổng thống Pinera. Mặc dù tôi mới sang nhận nhiệm vụ được 1 tháng thôi nhưng qua tiếp xúc với bạn bè Chile thì họ đều nói rằng chính sách của chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục và thúc đẩy, mở rộng quan hệ với Việt Nam theo thời Tổng thống Bachelet. Cá nhân tôi cũng nghĩ là Tổng thống Pinera đã từng thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình và hai nước đã ký FTA về mậu dịch tự do thì có lẽ, ông là người đã biết Việt Nam, quan tâm tới Việt Nam và sẽ tiếp tục chính sách tăng cường và phát triển quan hệ với Việt Nam.    

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Phạm Huân/VOV