Giáo dục năm 2016: Những thay đổi về xét thi đua khen thưởng

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:38, 19/02/2016

BT- Trước đây, giáo viên muốn đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” buộc phải viết “Sáng kiến kinh nghiệm”. Còn muốn đạt được danh hiệu ấy, “Sáng kiến kinh nghiệm” phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo xét đạt từ loại C trở lên. Vì điều này, hàng năm, nhiều thầy cô giáo phải nỗ lực đăng ký đề tài để viết cho được một sáng kiến kinh nghiệm. Với mật độ viết dày như thế, dù thầy cô giáo nào có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy đến đâu cũng trở nên cạn kiệt đến mức “không còn gì để viết”. Thế rồi không ít người đã “copy, cắt, dán” từ nhiều sáng kiến của đồng nghiệp trên mạng thành sản phẩm khoa học của mình để đem nộp. Đã có không ít những sáng kiến ra đời giống nhau. Với kiểu viết mang tính đối phó như thế, hàng năm, một huyện thị có khoảng vài trăm sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng chẳng có mấy cái được đưa vào áp dụng thực tế để nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.

Với việc ra đời của Thông tư 35/2015/ TT-BGDĐT v/v Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, nhiều quy định cũ đã được sửa đổi. Đáng lưu ý là, tại điều 10 và 11 của Thông tư 35 về việc xét công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ” cho cá nhân có một trong các thành tích khác như:

- Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường (bậc THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh), đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (bậc mầm non, tiểu học, THCS); tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế, văn bản quy phạm pháp luật.

- Hay trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được một học sinh đạt các giải chính thức trong kỳ thi cấp tỉnh... sẽ được tính là đề tài hoặc “Sáng kiến kinh nghiệm”.

Với quy định mới của Thông tư 35 như thế, sẽ có nhiều thầy cô giáo hiện là giáo viên dạy giỏi cấp huyện thị hay giáo viên đã bồi dưỡng được ít nhất một học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh “thoát” việc viết sáng kiến kinh nghiệm.

Bên cạnh việc “mở” và giảm áp lực cho giáo viên, Thông tư 35 lại có phần “chặt chẽ” hơn với các cấp quản lý. Cụ thể: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đạt các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này và đơn vị do cá nhân quản lý phải đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”. Tỷ lệ “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15 % số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên.

Thành tích thi đua của các cấp quản lý đã gắn chặt với thành tích đơn vị đạt được tránh tình trạng một số lãnh đạo làm việc “làng nhàng” nhưng cuối năm vẫn dễ dàng đạt danh hiệu thi đua. Việc khống chế số lượng cán bộ quản lý đạt không quá 1/3 tổng số chiến sĩ thi đua của toàn đơn vị cũng tạo cho nhiều giáo viên có cơ hội chạm tay đến danh hiệu thi đua mà trước đây họ rất khó chạm đến vì… nhiều lý do.

Có thể nói, Thông tư 35 về thi đua khen thưởng rất cụ thể, sát  thực tế,  hợp với tâm tư nguyện vọng của nhiều giáo viên, chắc chắn sẽ có những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc giáo dục học sinh của các thầy cô giáo.

Trúc Hạnh