Câu chuyện văn hóa: “Ơn thầy, nghĩa bạn”
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:32, 19/02/2016
Chị Cao Mai cho biết: “Năm 1991, thời kỳ đất nước khó khăn, ai cũng lao vào cuộc mưu sinh. Cùng một góc trời Phan, thế mà bạn bè gặp nhau sao khó quá. Lúc này Cao Mai, Trần Thanh, cùng một nhóm bạn Pháp văn 1, Pháp văn 2 (P), Anh văn 3 (A) khởi xướng họp bạn để “ôn cố, tri tân” về một thời áo trắng, để thăm hỏi nhau cho ấm lòng. Vậy là Trần Thanh lọc cọc với chiếc xe đạp cà tàng đi mời thầy, cô, bạn bè. Địa điểm số 3 Lê Lai, thời gian ngày 1/1 (dương lịch). Lần đầu họp mặt có thầy Hoàng Chung, thầy Giáo, thầy Công Ân, thầy Công Điệc, thầy Minh Trí, cô Ung Minh Yến cùng một ít bạn bè. Góp vui hôm đó chủ yếu chỉ là cây nhà lá vườn, vậy mà tình cảm rất dạt dào”. Những lần tiếp theo thầy Công Điệc dạy hội họa, thầy Hoàng Chung… dạy nhạc đã không còn gặp được những gương mặt học trò thân yêu, bạn bè đồng nghiệp vì tuổi già, ốm đau phải rời bỏ cõi tạm này.
Sau lần họp mặt đó, sân nhà số 3 Lê Lai không còn sức chứa, Ban liên lạc liên hệ với Ban giám hiệu Trường THPT Phan Bội Châu để tổ chức ngay ngôi trường mình đã học. Gần 300 cựu học sinh và thầy, cô làm lễ tưởng niệm những bạn bè, thầy cô đã qua đời và chí sĩ Phan Bội Châu. Sau đó, cả thầy và trò đồng ca: “Hành khúc Phan Bội Châu” - một sáng tác của thầy Lê Hoàng Chung. Anh Bùi Trí nhớ về trường Phan: “Thuở ấy, trường Phan trông nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn gàng không hoành tráng và bề thế như bây giờ… Song tâm hồn tôi vẫn cảm thấy ấm lòng vì vẫn còn đó hình dáng dãy phòng học hai tầng ngày nào còn được giữ lại… Dãy nhà hai tầng có hành lang chạy dài dọc theo các phòng học được các bạn nữ đặt cho cái tên “Đại lộ kinh hoàng” nghe mà rùng mình, nổi da gà. Sở dĩ có cái tên độc địa đó bởi là vì mỗi lần đi ngang qua hành lang này là các bạn nữ sợ khiếp vía, nguyên do là các “ông tướng” lớp A3, A4 xếp hàng chặn hai đầu hành lang từ cầu thang đi lên, nghịch ngợm xô đẩy lẫn nhau, hò hét chọc ghẹo… Tôi thì không tham gia nhưng lại là “nạn nhân” của trò xô đẩy đó. Nhờ vậy mà tôi may mắn được làm quen, làm bạn… cùng cô ấy. Thật là trong cái rủi có cái hên mà!” Những trò nghịch ngợm như vậy xét cho cùng cũng thật dễ thương, có cái để mà nhớ suốt đời.
Là một “cây toán” nhưng Ngô Thanh Mỹ cũng hết sức mơ mộng: “Đến chân cầu thang, cầm túi đựng giày chuyển sang vai khác để chuẩn bị ra sân tập dượt chuẩn bị cho Giải Bóng đá Quân khu II Duyên hải miền Trung (năm 1973) sắp đến, tôi nhìn qua bên kia hành lang của sân khấu thấy vài nữ sinh đang nhảy dây, một cô đang nhảy với hai tà áo dài được cột chéo lại, vừa nhảy vừa cười với má lúm đồng tiền làm tôi bối rối.” Cái sự bối rối này có thể xem là những phút giây rung động đầu đời của tuổi mới lớn. Cái cô nhảy dây ấy sau này là người phụ nữ đang đi bên cạnh cuộc đời của Ngô Thanh Mỹ. Cũng cần nói thêm, đội bóng đá học sinh Bình Thuận năm đó đạt giải vô địch Quân khu II Duyên hải miền Trung. Cựu học sinh trung học Phan Bội Châu niên khóa 1968 – 1975 ngày nào nay nhiều người đã lên chức ông, chức bà nhưng mỗi khi họp lớp là những kỷ niệm xưa chợt ùa về. Nhiều cựu học sinh hiện nay đang định cư ở nước ngoài như: Nguyễn Thị Ngọc Kiên, Hứu Vừa Lâm, Mạc Gia Phụng… (Mỹ), Phan Công La, Nguyễn Phước Phương Minh… (Úc), Dương Thị Kim Yến - người đoạt Huy chương vàng giọng ca đơn nữ của kỳ Đại hội Quân khu II Duyên hải miền Trung hiện nay đang định cư tại Nauy nhưng năm nào cũng sắp xếp thời gian để về họp lớp.
Kết thúc bài viết này, xin hãy nghe anh Phạm Khắc Thọ chia sẻ: “Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, năm tháng đi qua tạo thành ký ức, tuy vậy ký ức của lứa học trò ngây thơ, trong sáng luôn là ký ức đẹp nhất, đáng nhớ nhất cho ai ai có diễm phúc “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường…”. Ngoảnh mà đã 40 năm rồi đó! 40 năm xa trường, xa thầy, xa bạn thời phổ thông với bao ký ức đẹp của lứa tuổi học trò. 40 năm với “đường đời muôn vạn nẻo”! Ngày ấy chúng ta chỉ có bạn bè cùng lớp, cùng nhóm bạn cùng sở thích… Những cánh chim thuở nào giờ quần tụ thành đàn chim lớn – Liên lớp cựu học sinh Phan Bội Châu niên khóa 1968 – 1975”.
NGUYỄN HỮU CÁN