Những đứa trẻ bẻ măng kiếm sống
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:36, 08/06/2016
Bẻ măng đối với trẻ em ở Phước Bình không chỉ bây giờ mới có, nó có từ lâu lắm rồi, cách đây những 40 năm, từ cái ngày mà làng mới lập (1966). Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ bẻ măng, đời cha, đời con rồi bây giờ đến đời cháu. Không phải nghề nghiệp gì, nhưng đây là cách kiếm sống đơn giản và phù hợp với lứa tuổi các cháu, nhất là trong dịp nghỉ hè.
Măng le ngày trước ở hai bên bờ sông Dinh nhiều lắm. Hồi ấy thứ bảy, chủ nhật là các em tập hợp thành từng nhóm rủ nhau ra sông Dinh bẻ măng. Nhóm xuôi đường sông về phía Phước An, Láng Đá, nhóm ngược dòng lên Tân Xuân, Tân Hà, em nào bơi lội giỏi thì qua sông vào rừng le suối Bạc.
Bây giờ, số trẻ em đi bẻ măng không còn đông như xưa. Cái chính là vì không có măng để bẻ. Tre le, tre gai dọc hai bên bờ sông phần bị lũ cuốn, phần do người đốt phá nên số còn lại rất thưa thớt. Chỉ những em gia cảnh hết sức khó khăn mới chịu khó ngày ngày lội sông tìm măng về bán lấy tiền phụ giúp gia đình. Nói ít, chứ con số này ở Phước Bình hiện nay cũng không dưới chục em, chủ yếu các em ở xóm Suối Đó và xóm Việt Kiều (Campuchia hồi hương).
Hai anh em thằng Tèo, thằng Tý con anh Năm xóm Suối Đó, rồi thằng Khó, thằng Bụi, thằng Dũng… ở xóm Việt Kiều, ngày nào mà không có mặt ở sông Dinh, nay chỗ này, mai chỗ kia, các em lục từng lùm tre, bụi le tìm cho được những mụt măng, có mụt mới lú phải bới đất mới lấy được, có mụt đã thành vòi chỉ lấy được cái chóp trên ngọn. Một ngày dãi nắng dầm mưa, mặt mày, tay chân gai cào tươm máu, tìm được nhiều lắm cũng chỉ vài kg măng, đem ra chợ bán tươi được vài chục nghìn đồng, mà đâu phải ngày nào cũng có.
Sống trong nghèo khổ, ngày ngày lặn hụp sông nước, nắng mưa, nên nhìn các em đứa nào cũng già đi trước tuổi. Ước mơ của các em qua từng ngày rất đơn giản, mong sao cho trời mưa đều để có măng mà bẻ, có cá mà câu.
Một hôm ngồi nói chuyện với các em bên bờ sông Dinh, vui miệng tôi hỏi các em, với làng quê Phước Bình mình, các em yêu gì nhất, ghét gì nhất? Các em cười hồn nhiên trả lời: Yêu nhất sông Dinh, sông Dinh cho cá để câu, cho măng để bẻ, mùa nắng được tắm sông. Còn ghét nhất, các em chỉ tay về phía bãi hút cát, đó người ta đốt tre, chặt cây. Tre hết đâu còn măng để bẻ, cây chặt lấy đâu bóng mát ngồi câu cá. Nghe các em thật thà, lòng tôi sao nghẹn đắng!
NGÔ VĂN TUẤN