Chuyện tác nghiệp ở  Trường Sa của phóng viên trẻ

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:59, 21/06/2016

BT- Có sóng nhưng lại thiếu sóng, có nước nhưng lại thiếu nước, những bữa cơm trên tàu nhiều khi phải tạm dừng để “giữ” chặt chén cơm vì sợ sóng đánh bay. Để chuyển tải được những tin, bài về từ Trường Sa có khi phải mất đến nửa ngày đêm… đó là những gì mà 2 phóng viên trẻ của Báo Bình Thuận từng tác nghiệp ở Trường Sa trải lòng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Phóng viên Lê Hữu Phúc – Trường Sa, những trải nghiệm khó quên

Bước chân vào làng báo 6 năm, Phúc may mắn được 2 lần đến với Trường Sa – phần máu thịt thiêng liêng, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. “Hai chuyến đi, có tổng cộng hơn 30 ngày đêm lênh đênh trên vùng  biển trời Trường Sa, với phóng viên trẻ như tôi đó là một niềm vinh dự và hết sức tự hào”, Phúc chia sẻ. Với Phúc được tác nghiệp ở Trường Sa là một may mắn nhất trong đời làm báo của mình. Bởi được cảm nhận cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt về thời tiết và cả những công việc cực khổ của những chiến sĩ Trường Sa đang từng ngày đêm canh gác cẩn thận bảo vệ chủ quyền của đất nước. Với nghề báo, chuyện tác nghiệp ở đất liền đã là hiểm nguy, gian khổ, nhưng tác nghiệp ở Trường Sa với điều kiện thời tiết khắc nghiệt càng khó khăn gấp bội. Vào mùa biển động, những con sóng bạc đầu liên tục dâng cao từ 2 – 3 m vỗ vào mạn thuyền lắc lư như chiếc võng đưa, những phóng viên không quen thường xuyên bị nôn ói và nằm vật vã, èo uột như tàu lá rũ. Khi gặp áp thấp nhiệt đới hay bão lớn, tàu phải neo đậu dài ngày trên biển để “né” gió. Những lúc này, cánh nhà báo lại tranh thủ viết tin, bài chuyển về tòa soạn. “Có lúc vừa viết vừa một tay ôm máy, một tay vịn chân giường để không bị ngã nghiêng theo sóng dữ. Ngủ cũng phải vịn cột giường liên tục”, Phúc kể.

Những ngày được đặt chân tới các đảo, với phóng viên đó là những giây phút khó quên. Bởi thời gian ở đảo không nhiều, tranh thủ khai thác đề tài, gặp gỡ, trao đổi nhanh với các chiến sĩ, tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của người dân. Nếu là đảo nổi còn có thể khai thác nhiều đề tài, đôi khi đoàn ghé đảo chìm thì đành chịu, chẳng có gì để viết. May mắn được 2 lần đi Trường Sa, Phúc đã có nhiều kinh nghiệm hơn cho việc tác nghiệp như lấy thông tin, chụp ảnh. “Không phải đến Trường Sa cái gì cũng có thể đưa tin, viết báo, chụp ảnh. Mà đòi hỏi phóng viên phải cân nhắc kỹ trước khi muốn chuyển tải một vấn đề gì về đất liền. Nếu không cẩn thận, am hiểu vô tình tiết lộ bí mật quân sự của đất nước”, Phúc cho biết. Được đến nhiều đảo lớn, nhỏ ở Trường Sa, điều đọng lại ở phóng viên trẻ này là sự thiếu thốn tình cảm gia đình của những người lính đảo. “Mỗi lần thấy người đất liền ra, các chiến sĩ như được gặp người nhà, huyên thuyên tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau thấy thương lắm. Cảm động nhất là những chiến sĩ trẻ lần đầu xa nhà, đôi mắt cứ ươn ướt mỗi khi chúng tôi chia tay lên tàu, những lời nhắn gởi yêu thương đến gia đình, bạn gái mà lòng cứ se thắt”, Phúc kể mà đôi mắt đỏ hoe.

Phóng viên Trương Bùi Đình Hậu – Nhớ mãi chuyện “canh sóng” ở Trường Sa

So với tất cả phóng viên của Báo Bình Thuận, Đình Hậu là phóng viên trẻ nhất may mắn được tác nghiệp ở Trường Sa sau một năm làm báo. Chuyến đi Trường Sa của Hậu vào cuối năm 2015 với thời gian 22 ngày đêm trúng mùa biển động. Đây là lần đầu tiên em cảm nhận được sóng, gió Trường Sa là như thế nào. Mặc dù không bị say sóng, nhưng trước sự cảnh báo của đàn anh đi trước, Hậu tranh thủ mua một số thức ăn “chóng say” cho mình để dành ăn trên tàu. “Cũng nhờ vậy, sau chuyến đi, em mới biết được công dụng củ sắn, ổi, lương khô và một vài thứ khác nữa”, Hậu cười cho biết. Những ngày tác nghiệp ở Trường Sa, cái khó khăn nhất đối với em là làm thế nào để chuyển tải các tin bài về tòa soạn càng sớm càng tốt. Thời gian cập rập, việc di chuyển liên tục hết đảo này đến đảo khác, tranh thủ viết đã là khó, để gửi được một tin, bài hay ảnh về tòa soạn là cả một “trận chiến” cam go, phóng viên lúc nào cũng phải căng mình để “canh sóng”. Hậu cho biết, bình thường cánh nhà báo phải “án binh” đợi đến khuya, ít người truy cập, sóng 3G mạnh mới gởi. Có hôm thức thâu đêm, từ 1 giờ sáng đến 5 giờ sáng không dám chợp mắt để chuyển tin bài về, nhưng cũng không thành vì sóng 3G ở trên biển rất yếu, chập chờn. Tải được gần xong chưa vội mừng thì có tín hiệu rớt sóng, phải tải lại từ đầu, nhiều lúc tức điên lên vì sóng 3G. Mặc dù vậy, nhưng với người tác nghiệp ở Trường Sa lại cảm thấy vui, thấy tự hào khi có được những thông tin từ đảo xa gởi về đất liền. Kỷ niệm nhớ nhất của Hậu khi tác nghiệp ở đây là mỗi lần đi tắm. Do nước ngọt ở đảo khan hiếm, mỗi người chỉ được tiêu chuẩn 2 gáo nước cho một lần tắm. Anh em nam hầu hết là tắm nước biển, sau đó đứng chờ cho khô rồi vào thau, dội lại nước ngọt để tận dụng tưới rau. Chính vì vậy mà buộc mọi người phải chờ ráo nước mặn, mới cho xối nước ngọt.

Điều kiện tác nghiệp khắc nghiệt là thế, song với các em, những phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết vẫn luôn muốn được đến với Trường Sa để được chia sẻ cùng những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, đang bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Khánh NgỌc