Học từ thực tế: Khi các em lên tiếng về môi trường

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 14:32, 24/06/2016

BT- Có mặt trong tiết học “Thực hành  môi trường địa phương” của học sinh khối lớp 9 Trường trung học cơ sở Tân An (thị xã La Gi), tôi thật sự bất ngờ. Nếu chỉ nghe các em nói chắc chắn mọi người cứ ngỡ mình đang nghe  bài thuyết trình của báo cáo viên  về môi trường thực thụ.

Những báo cáo viên về môi trường

Lớp được chia thành 4 tổ, mỗi tổ 10 tổ viên. Đại diện từng tổ lên trình chiếu những ghi nhận của mình về môi trường của thị xã La Gi. Theo đó, những cảnh đẹp của La Gi như: công viên thiếu nhi, biển xanh, hình ảnh đảo Hòn Bà giữa biển khơi, một góc cầu đập Đá Dựng, những con đường rợp mát bóng cây, những con đường về đêm huyền ảo lần lượt hiện ra… Giọng của một học sinh nữ trong vai trò là thuyết trình viên, hỏi: “Các bạn thấy thị xã La Gi mình đẹp không?”. “Rất đẹp và nên thơ”, “đẹp lắm”, nhiều tiếng nói đáp lại.  Thuyết trình viên tiếp: “Vâng, La Gi rất đẹp, nhưng hiện tại, không ít nơi ở quê mình  môi trường sống đang bị ô nhiễm”. Tiếp theo đó, hình ảnh dòng sông Dinh ngập rác (đoạn tại đập Đá Dựng), Cảng cá với những vũng nước tù đọng  đen thui, cảnh rác thải chất từng đống ở các bờ biển… lại hiện ra…

“Các bạn có biết nguyên nhân nào dẫn đến  ô nhiễm môi trường?”. Có rất nhiều cánh tay giơ lên phát biểu, chẳng hạn ô nhiễm môi trường do thiên nhiên, do chất khí thải ra, do hóa chất bảo vệ thực vật, do con người…”. “Thế nhưng, ô nhiễm môi trường ở địa phương chúng ta là do thiên nhiên hay con người?”, một tiếng hỏi dồn. Trên màn hình powerpoint lại xuất hiện cảnh  quán ăn mà khăn lau miệng, lau chén đũa, thức ăn thừa vứt la liệt, cảnh một con đường mà bịch bóng, hộp nhựa nằm ngổn ngang… Nhiều ý kiến nêu lên: “Môi trường ở thị xã chúng ta bị ô nhiễm hoàn toàn là do con người”. “Vậy vì sao con người chúng ta lại làm điều này?”. Lại rất nhiều ý kiến. “Do ý thức của mọi người chưa cao, thói quen bạ đâu vứt đấy còn ăn sâu trong tiềm thức…”. Một học sinh quả quyết: “Một phần do việc chưa xử phạt nghiêm với những người vi phạm”.

Làm gì để hạn chế tình trạng này? Giải pháp được các tổ đưa ra vô cùng “phong phú” như: kêu gọi mọi người trồng cây xanh làm đẹp môi trường, không xả rác thải bừa bãi, đặt thêm  nhiều thùng đựng rác ở nơi công cộng, hạn chế sử dụng bịch ni-lông khi đi chợ, các địa phương cần quản lý tuyên truyền và có biện pháp mạnh với những người không chấp hành giữ gìn vệ sinh chung? Đặc biệt, các em đề xuất việc tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường là điều cần thiết nhất. Bởi khi ý thức được nâng cao, mỗi con người sẽ biết phải giữ gìn môi trường thế nào cho sạch đẹp.

Cuối cùng, các học sinh đã gửi thông điệp đến mọi người: “Bảo vệ môi trường sống tươi đẹp chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình”.

 Bài học từ thực tế

Kết thúc tiết học thực hành, khi được hỏi: “Làm sao các em có được những bức hình chân thật như thế?, một học sinh cho biết: “Khi cô giáo nói về mục đích, yêu cầu của tiết học thực hành môi trường địa phương, chúng em phân công nhau tranh thủ thời gian đi học về, thu thập những hình ảnh đẹp, hình ảnh chưa đẹp về môi trường ở địa phương. Rồi cùng nhau phân tích nguyên nhân và đưa ra những cảnh báo, những giải pháp để khắc phục”.

Để có được tiết học thành công như thế, thầy Hoàng Văn Túc, Tổ trưởng Tổ Sinh - Hóa của Trường trung học cơ sở Tân An thị xã La Gi, cho hay: “Trong chương trình môn Sinh học lớp 9 có hai tiết “Thực hành môi trường địa phương”. Nếu thầy cô cho các em ngồi tại lớp và học những điều trong sách giáo khoa hay những điều thầy cô soạn ra thì hiệu quả sẽ không thể bằng chính các em đi thực tế, phải ghi lại hình ảnh bằng những cảm nhận của mình. Từ đó, chính các em sẽ phân tích  điều gì tốt cần được giữ gìn, điều gì xấu cần khắc phục. Với cách học này, các em rất hào hứng tham gia, mỗi em đều nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và còn trở thành một tuyên truyền viên tích cực để kêu gọi mọi người cùng làm”.

Phan Tuyết