Đào tạo nghề ở Tuy Phong: Nhà trường – chính quyền và doanh nghiệp bắt tay nhau
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:59, 03/08/2016
Những năm trước, công tác đào tạo nghề ở huyện Tuy Phong đạt được những kết quả khá, nhưng tạo việc làm cho người đã học nghề vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do trước khi đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề, học viên chưa nắm bắt được các doanh nghiệp đang cần nghề gì? Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phong đã triển khai việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty và khảo sát các ngành nghề mà địa phương đang còn thiếu lao động… Từ đó, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chủ động liên hệ với các công ty và phản ánh tình hình lao động tại địa phương để các cơ sở đào tạo biết lên kế hoạch mở lớp. Hiện nay, phòng đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Phong và Trung tâm Dạy nghề Bắc Tuy Phong mở các lớp đào tạo nghề dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, vận tải nông thôn…
Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phong cho biết: Thị trường lao động ở Tuy Phong đang có nhiều cơ hội để người lao động tìm được việc làm. Chẳng hạn như một số công ty may đóng chân trên địa bàn huyện đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đang hoàn thành, Cảng tổ hợp Vĩnh Tân cũng đang được gấp rút thi công. Nơi đây sẽ thu hút nhiều lao động trên lĩnh vực vận tải, xây dựng và nấu ăn… Vì vậy, phòng đã phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề mở thường xuyên các lớp đào tạo các nghề này. Phòng cũng đề nghị các hội đoàn thể cấp xã chủ động rà soát các ngành nghề mà hội viên có nhu cầu để liên hệ các trung tâm mở lớp đào tạo…
6 tháng đầu năm 2016, các trung tâm đào tạo nghề huyện Tuy Phong đã mở 16 lớp đào tạo thu hút 480 học viên. Khoảng 80% học viên của các lớp này đã tìm được việc làm. Ông Nguyễn Em, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Bắc Tuy Phong cho biết: Việc phối hợp đào tạo nghề giữa trung tâm, chính quyền với công ty đang phát huy hiệu quả cao. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trung tâm đã phối hợp với các công ty mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 120 học viên. Các học viên này sau khi tốt nghiệp đều được nhận vào làm. Trung tâm cũng phối hợp với hội phụ nữ các xã mở lớp dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn dạy nghề cho 59 học viên. Khoảng 85% học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc ở các nhà hàng, khách sạn…
Tại hội thảo “Khoa học nhận diện cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - Phân tích từ thị trường lao động” diễn ra tại Bình Thuận mới đây, các đại biểu tham dự đã đánh giá trong tương lai không xa Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức từ việc tham gia Cộng đồng kinh tế Asean. Do đó, việc đào tạo bám sát nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp là hướng đang đặt ra. Sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên nhà trường – chính quyền – công ty của huyện Tuy Phong đang là mô hình hay để phát triển chất lượng nguồn lao động nông thôn.
NguyỄn Luân