Tiếp tục thực hiện mô hình VNen bậc tiểu học
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:42, 25/08/2016
Thưa bà, đến thời điểm này mô hình VNen được thực hiện tại bao nhiêu trường trên địa bàn tỉnh?
Sau 3 năm đưa vào triển khai, đến nay đã có 87/280 trường tiểu học đăng ký tiếp tục thực hiện. Trong đó có 15 trường được dự án tài trợ hoàn toàn, còn lại các trường đều tự thân vận động. Tuy nhiên, năm nay các trường thuộc dự án không còn được tài trợ nữa nhưng số trường tiểu học đăng ký nhân rộng mô hình này trong năm học 2016 - 2017 rất đông.
Cái được lớn nhất sau 3 năm triển khai mô hình VNen tại tỉnh là gì?
Đó là việc thay đổi về cách quản lý nhà trường và tổ chức lớp học. Trước đây, trong quá trình quản lý, các tổ trưởng xây dựng kế hoạch trình lên Bán giám hiệu xem xét, góp ý rồi mới chuyển xuống cho từng giáo viên. Còn với mô hình này, hiệu trưởng có thể giao quyền cho từng giáo viên thực hiện. Với mô hình VNen, học sinh được bầu các ban, hàng tuần học sinh tự lên kế hoạch học tập, giáo viên chỉ lắng nghe và đứng quan sát, khi học sinh cần giáo viên mới trợ giúp. Thêm nữa, mô hình VNen không phải cho điểm mà giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá học sinh nên không gây áp lực cho học sinh. Các lớp học tổ chức theo VNen cũng được trang trí thoáng mát, thân thiện phù hợp với môi trường học đường thân thiện, học sinh tích cực.
Một tiết học theo mô hình VNen tại Trường tiểu học Đức Nghĩa. Ảnh: Đ.Hòa |
Như vậy, chất lượng dạy và học có được nâng lên?
Qua theo dõi một số trường thực hiện theo mô hình này, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình được tăng lên thấy rõ, tỷ lệ học sinh lưu ban giảm. Mô hình VNen không xếp loại kết quả học tập theo danh hiệu giỏi, khá như trước đây, chỉ đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành, tất nhiên với những học sinh không hoàn thành sẽ bị lưu ban.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc dạy theo VNen khiến nhiều giáo viên rảnh rỗi do không phải soạn giáo án, nên các tiết học tại lớp chỉ ngồi chơi hoặc làm việc khác?
Với bộ sách giáo khoa theo chương trình VNen “3 trong 1” nên giáo viên không cần soạn giáo án, song điều này chưa hẳn giáo viên sẽ rảnh rỗi. Những tiết học của VNen dù giáo viên không phải là người trung tâm nhưng phải luôn có mặt để quan sát, theo dõi từng học sinh để có ý kiến nhận xét hàng ngày. Nếu không quan sát kỹ, giáo viên sẽ rất khó thấy được sự thay đổi của học sinh trong việc đánh giá để xếp loại.
Thực hiện theo kiểu VNen, học sinh tự nghiên cứu là chính, nhưng một bộ phận học sinh yếu sẽ khó bắt nhịp kịp nếu không có sự kèm cặp của giáo viên? Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Cách học của VNen là ngồi theo nhóm, học sinh tự giải quyết vấn đề, khi nào khó mới nhờ đến giáo viên “trợ giúp”. Việc phân nhóm được chia đều cho các trình độ giỏi, khá, yếu. Tùy vào trình độ, nhóm trưởng sẽ phân công những phần việc cụ thể cho các thành viên. Với những học sinh yếu sẽ được cả nhóm trợ giúp hỗ trợ, nếu làm không được sẽ nhờ giáo viên. Với cách học này, những học sinh yếu kém, nhút nhát sẽ lộ rõ, từ đó có sự trợ giúp, chia sẻ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Năm học này, mô hình VNen ở bậc tiểu học sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng, không tạm dừng như một số tỉnh?
Quan điểm của Sở GD&ĐT là vẫn tiếp tục thực hiện ở bậc tiểu học, trường nào cảm thấy đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất cứ đăng ký thực hiện, nếu trường không đảm bảo thì thực hiện từng phần, sở không áp đặt phải thực hiện hết. Thời điểm này tất cả sách giáo khoa của VNen đã được cung cấp đủ đến các trường.
Xin cảm ơn bà!
Khánh NgỌc (thực hiện)