Thanh niên nông thôn và chuyến đi “học một sàng khôn”

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:31, 21/09/2016

BT- Lần đầu tiên, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hiệu quả tại Lâm Đồng dành cho thanh niên địa phương. Qua mắt thấy - tai nghe về việc đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế, các bạn trẻ đã được thấy rất nhiều điều…
                
Thanh niên Bình Thuận tham quan mô hình sản    xuất rau công nghệ cao tại Lâm Đồng.

 “Choáng” với cách làm nông hiện đại

Gần 20 bạn trẻ là thanh niên nông thôn tham gia thành viên tổ hợp tác, câu lạc bộ làm kinh tế giỏi đến từ các địa phương trong tỉnh đã choáng ngay tại điểm tham quan đầu tiên. Đó là Trang trại sản xuất rau công nghệ cao của ông Nông Văn Sinh tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng với các loại rau quả… “không bình thường”. Nói như vậy vì nơi đây chỉ tập trung sản xuất một số giống rau quả có hình dáng và trọng lượng nhỏ hơn hoặc to hơn bình thường với tên gọi: Cà chua baby, dưa leo baby, cà big C… Chưa dừng lại, trang trại còn được đầu tư theo mô hình nhà kính, hệ thống phun tưới nhỏ giọt, sản phẩm ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng/ha, nhưng rau quả trồng theo cách này luôn đảm bảo cho năng suất cao, chất lượng tốt vì không sâu bệnh, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn do ít bị tác động điều kiện khí hậu, mưa nắng thất thường. Đặc biệt giá cả được các đối tác, siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh cam kết bao tiêu đầu ra với giá mua cao gấp rưỡi, gấp đôi so rau quả cùng loại trồng ngoài trời.

Tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương, càng tiếp cận thì càng ngỡ ngàng. Bởi hạn chế về diện tích và địa hình không bằng phẳng, các cơ sở đều đầu tư ứng dụng mô hình sản xuất rau thủy canh dù chi phí đầu tư nhà kính, hệ thống giá thể trồng rau lên đến 1,2 tỷ đồng/sào (1.000 m2). Anh Nguyễn Vinh Phú phụ trách Công ty Đà Lạt - Rau thủy canh cho biết, bản thân phải qua Thái Lan học công nghệ và nay sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với tuổi trẻ Bình Thuận. Hiện công ty anh đang trồng nhiều loại xà lách lô lô có hình dáng và màu sắc rất bắt mắt như: lô lô xanh, lô lô tím, lô lô mỡ, lô lô Roman, lô lô Bataxia… theo đơn đặt hàng của đối tác. Trước nhiều ánh mắt ái ngại về đầu tư kinh phí ban đầu quá lớn, anh Nguyễn Vinh Phú tự tin cho biết việc thu hồi vốn chỉ khoảng một năm rưỡi đến 2 năm, trong khi cơ sở vật chất của hệ thống được sử dụng trong 10 năm.

Điều đó càng có cơ sở vì suốt thời gian qua, giá thu mua xà lách lô lô trồng theo phương pháp thủy canh vừa cho thời gian thu hoạch ngắn, vừa ổn định giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, riêng rau muống có giá… 120.000 đồng/kg.

Được “một sàng khôn”

Anh Trần Đình Rạng - Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Linh rất tâm đắc việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và cho rằng tùy điều kiện sẽ từng bước ứng dụng ngay trên quê nhà. Qua chuyến đi này, có thể Huyện đoàn tiếp tục tổ chức chuyến đi thực tế tại Lâm Đồng, nhằm giúp thanh niên Đức Linh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xu hướng tiêu dùng hiện nay… Một số bạn trẻ là thành viên Tổ sản xuất rau an toàn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) cũng cho đây là chuyến đi bổ ích, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ mô hình sản xuất, đặc biệt là phương pháp trồng rau thủy canh trong nhà kính. Nếu được chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư, vùng rau Phú Long sẽ xây dựng thương hiệu với các sản phẩm sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho các khách sạn, resort ở Bình Thuận.

                
Cà chua trồng trong nhà kính cho năng suất    rất cao.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Tiêu Hồng Phúc, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực sản xuất rau quả hiện chưa có tại địa phương. Do vậy chuyến đi đã thực sự kích thích niềm đam mê của tuổi trẻ Bình Thuận, nhất là đối với thanh niên nông thôn có lợi thế về đất đai. Qua tìm hiểu thực tế, hy vọng thanh niên tỉnh nhà sẽ hình thành ý tưởng, chuẩn bị các điều kiện và mạnh dạn triển khai những mô hình phù hợp theo hướng sản xuất an toàn, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, mô hình ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không những tạo thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn có sức hút trong tập hợp thanh niên. Như Tổ hợp tác sản xuất hoa Thanh niên phường 12 - TP. Đà Lạt đã gắn kết nhiều bạn trẻ tham gia, được đơn vị chức năng hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất hoa tươi đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 QUỐC TÍN