Dạy thêm không phải là tội!
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 10:19, 09/09/2016
Nói một cách khách quan, dạy thêm là công việc làm thêm ngoài giờ, thầy cô giáo sẽ dùng kiến thức của mình để truyền thụ cho học sinh, với mong muốn giúp các em học ngày càng tốt hơn cũng như sau đó nhận được thù lao của cha mẹ các em. Đây là giao dịch hợp pháp đôi bên cùng có lợi.
Dạy thêm chỉ đáng bị lên án khi thầy cô dùng quyền của mình ép buộc học sinh phải đi học thêm, dùng mọi cách trù dập những học sinh không đi học thêm với mình. Việc làm này, không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo, gây áp lực cho học sinh cũng như cha mẹ của học sinh khi họ phải lo những khoản tiền cho con đi học thêm. Tuy nhiên, số thầy cô giáo vừa nói không chiếm số đông. Phần đông thầy cô giáo đang dạy thêm là đáp ứng mong muốn của học sinh, bởi kiến thức cần giảng dạy trong 1 tiết dạy (45 phút) là khá lớn, trong khi học sinh của một lớp lại quá đông (45 em, có nơi gần 60 học sinh), nên không có cách nào thầy cô có thể truyền đạt hết kiến thức cũng như làm cho toàn bộ học sinh trong một lớp hiểu hết. Nhu cầu học thêm của học sinh sinh ra là vậy. Những học sinh học yếu mong qua học thêm để củng cố kiến thức, còn học sinh khá giỏi thì mong nâng cao lực học. Bên cạnh đó, có không ít giáo viên vì lòng yêu nghề, yêu học trò, không muốn học trò mình hổng kiến thức mà tổ chức dạy thêm tại nhà, tại nơi nào đó thuận tiện.
Vì vậy, khi nói: Đuổi việc nếu giáo viên dạy thêm, cấm dạy thêm là đã vô tình “cào bằng” giữa tốt và xấu, giữa chưa được với được, giữa cái cần khuyến khích, tạo thuận lợi với cái cần ngăn chặn. Nói khác đi, thầy cô có lòng yêu học sinh, lo cho học sinh, được học sinh yêu cầu dạy đều không được!? Cần phải chấm dứt coi việc dạy thêm là sai trái, cũng như chấm dứt việc có một số địa phương tổ chức đi bắt người dạy thêm như đi bắt tội phạm. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh ông khu phố trưởng đi cùng công an, dân phòng, hội phụ huynh, đại diện xã, phường… thình lình ập vào một cơ sở dạy thêm, lập biên bản vi phạm trước sự thảng thốt của người dạy và những đôi mắt lo âu, hốt hoảng của các em học sinh.
Đừng vì không quản lý được thì cấm. Chừng nào chúng ta giải quyết được câu hỏi “Vì sao học sinh phải học thêm?” lúc đó không cấm, việc dạy thêm học thêm sẽ dần bớt đi.
Phan Tuyết