Trường THPT Phan Chu Trinh: Học sinh tham gia phòng chống bạo lực học đường
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:52, 26/09/2016
Anh Trang Hoàng Vĩnh Sang – Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Chu Trinh cho biết, do số lượng học sinh tương đối đông, có nhiều học sinh ở xa nên khó quản lý; một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quan tâm của phụ huynh. Ngoài ra, tình hình xã hội đang diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh nên dễ phát sinh những bất ổn trong nhà trường như mất an ninh trật tự và bùng phát bạo lực học đường. Chính vì vậy, năm học 2013 – 2014, Đội thanh niên xung kích được thành lập. Ngay từ đầu năm học, Đoàn trường đã phát động học sinh đăng ký, mỗi lớp có ít nhất 2 học sinh tham gia vào đội. Các thành viên của đội sẽ được chia thành 6 nhóm nhỏ, mỗi nhóm trung bình 12 học sinh hoạt động theo sự phân công và quản lý của Đoàn trường. Nhiệm vụ chủ yếu của các em trong đội là trực an ninh trước cổng trường cùng với đoàn viên chi đoàn giáo viên vào giờ tan học trong tất cả các buổi học. Các em học buổi nào trực buổi đó, buổi sáng gồm các nhóm học sinh thuộc khối 11 và 12, buổi chiều gồm các nhóm có học sinh thuộc khối 10. Công việc chính là giữ an ninh trật tự trước cổng, không để tình trạng phụ huynh và học sinh đậu xe tràn xuống lòng đường gây cản trở giao thông và mất trật tự đường phố. Mặt khác, phát hiện và báo cáo các hành vi gây gổ, đánh nhau hoặc có nguy cơ dẫn đến đánh nhau ở khu vực trước cổng trường cho bảo vệ và giáo viên trực để kịp thời ngăn chặn. Số học sinh nhiệt tình và đáng tin cậy được đội phân công theo dõi tình hình dư luận và phát hiện mâu thuẫn trong học sinh để báo cho nhà trường nhằm kịp thời có biện pháp ngăn chặn, không để dẫn đến bạo lực học đường. Bên cạnh đó, trong các hoạt động ngoại khóa của trường như biểu diễn văn nghệ, hội trại, chương trình khai giảng, tổng kết, lễ tri ân – trưởng thành… các nhóm sẽ trực giám sát và tuần tra các khu vực theo sự phân công của Đoàn trường và có giáo viên phụ trách.
“Để thực hiện tốt mô hình cần có sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, đặc biệt là chi đoàn giáo viên và tổ giám thị. Mặt khác cần sự liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, đặc biệt là công an khu vực. Cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát, không để hoạt động mang tính hình thức, thiếu nghiêm túc. Đồng thời kịp thời ghi nhận và biểu dương những thành viên tích cực trong đội và khen thưởng vào dịp sơ kết hoặc tổng kết năm học để các em có thêm động lực và nâng cao tinh thần trách nhiệm” - Anh Sang chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Sau 3 năm thực hiện mô hình, tình hình an ninh trật tự trong trường đã có những bước cải thiện đáng kể, hiện tượng bạo lực học đường giảm mạnh. Nhiều tình huống mâu thuẫn trong và ngoài nhà trường có nguy cơ dẫn đến hành vi bạo lực, nhưng nhờ có đội thanh niên xung kích phát hiện và báo cáo kịp thời nên đã được nhà trường xử lý và ngăn chặn. Ngoài ra, việc duy trì hoạt động tình nguyện của đội thanh niên xung kích đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của toàn thể học sinh trong trường trong việc chấp hành nội quy, bảo vệ an ninh trường học.
NgỌc Hân