Dạy thêm học thêm tại tỉnh: Không cấm nhưng cần quản chặt

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:12, 10/10/2016

BT - Xuất phát từ nhu cầu thực tế, học sinh cần học thêm để nâng cao kiến thức, nhất là những kiến thức chưa được học tại trường. Từ đó tình trạng dạy thêm học thêm (DT –HT) diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc dạy thêm học thêm đôi lúc bị “lạm dụng” một cách quá đáng, khiến dư luận xã hội nhiều khi không đồng tình.
         
   

      

         Một cơ sở bồi dưỡng văn hóa tại KDC Văn Thánh (phường Phú Tài, TP.    Phan Thiết) thu hút khá đông học sinh đến học.    nh: Đ.Hòa

Dạy thêm, học thêm có tràn lan?

Ông Nguyễn Duy Trinh – Chánh thanh tra Sở GD&ĐT khẳng định: So với một số tỉnh khác, tình hình DT – HT tại tỉnh ta không “nóng”, không tràn lan. Điều này được thể hiện rõ trong việc thanh kiểm tra định kỳ, tháng và thậm chí là thanh tra đột xuất, rất ít phát hiện những trường hợp lén lút dạy thêm tại nhà. Tuy nhiên, theo ông Trinh, nói không “nóng” không có nghĩa là không có tình trạng DT – HT tại tỉnh. Sau thời gian dài thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 13 của UBND tỉnh, tình hình DT- HT tại tỉnh có chuyển biến rõ rệt ở cấp THPT. Riêng cấp THCS, chưa có chuyển biến giảm, vẫn còn tình trạng lén lút dạy thêm tại nhà, hoặc thuê cơ sở bên ngoài để dạy. Đây là một thực tế vì hầu hết các trường THPT, điều kiện cơ sở được đảm bảo đầy đủ, nên việc tổ chức ôn tập bắt buộc đối với học sinh lớp 12 tại trường được thường xuyên. Hơn nữa, từ ngày có chủ trương tổ chức dạy thêm trong nhà trường với các học sinh lớp 11, lớp 10 nhận thấy tình hình dạy thêm bên ngoài nhà trường đã giảm đáng kể.

Trong khi đó, điều kiện trường lớp ở cấp THCS mặc dù được đầu tư khá nhiều, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng việc học ngày 2 buổi. Hầu hết các trường đều phải học 2 ca, nên muốn tổ chức dạy thêm tại trường nhiều khi cũng khó. Trên thực tế, chỉ có một số trường đáp ứng việc ôn tập buổi tối, còn lại đa phần học sinh chọn học thêm ngoài nhà trường. Từ đó, nhiều giáo viên cũng tranh thủ mở lớp dạy thêm tại nhà, nhưng đều trong tình trạng lén lút chứ không dám ngang nhiên, nên chưa giảm triệt để. Ông Trinh cho biết thêm, cán bộ thanh tra sở đã từng tổ chức kiểm tra đột xuất ngay sau khi có tin báo, song cũng rất khó để phát hiện. “Đối với môi trường sư phạm, ở mức độ nhà giáo, chúng tôi không thể đi canh hàng giờ đề “rình rập” hoặc theo dõi như săn bắt tội phạm được. Vì thế rất khó để phát hiện và lập biên bản tại chỗ”, ông Trinh nói.

Không cấm nhưng cần tăng cường quản lý

Theo ông Trinh, quan điểm của Sở GD&ĐT không cấm DT – HT, hơn nữa trong Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành cũng không có bất cứ điều khoản nào cấm DT – HT. Chỉ có nghiêm khắc xử lý đối với những trường hợp dùng ảnh hưởng của mình bằng cách này hay cách khác để buộc học sinh đi học thêm; đồng thời dạy trước chương trình các bài kiểm tra, hoặc cắt giảm nội dung chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Đây là hai lỗi vi phạm nặng nếu phát hiện sẽ xử lý theo Luật Viên chức bằng hình thức cảnh cáo hoặc chuyển đơn vị khác.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp học sinh ở các trường phải đi học thêm 2 giáo viên cùng một môn. Với mục đích vừa học ở một thầy lấy kiến thức, học thầy khác để chiều lòng giáo viên. Vấn đề này cần phải chấn chỉnh và khắc phục ngay, không thể để tồn tại.  Được biết, từ khi các trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa được cấp phép, tình trạng DT – HT tại nhà phần nào được khắc phục, bởi học sinh đang có xu hướng đăng ký học tại các trung tâm. Tuy nhiên, theo một số chủ cơ sở này cho biết, cũng rất khó khăn khi hoạt động, vì phần lớn học sinh cấp THPT đều đăng ký học thêm tại trường, bậc THCS rất ít em đăng ký. Bởi vậy, các cơ sở thành lập nhiều và giải thể cũng không ít. Trên địa bàn tỉnh, có gần 50 cơ sở, trung tâm bồi dưỡng văn hóa đang được cấp phép hoạt động, chưa tính các cơ sở do phòng giáo dục quản lý.

Theo ông Trinh, trong quản lý DT - HT, tuyệt đối không dạy thêm đối với HS tiểu học và HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường. Riêng các trường hợp: nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật cho HS phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới được thực hiện (trình tự, thủ tục, hồ sơ như cấp phép dạy thêm, học thêm). Thời gian tới, Sở GD & ĐT sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý về vấn đề này hơn nữa. Tiếp tục tuyên truyền giáo dục thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên trong DT – HT. Đồng thời sẽ tổ chức hoạt động thanh, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành về DT – HT và thanh tra đột xuất.

 Khánh Ngọc