Gặp cụ Dương Thị Dồi (102 tuổi): Vẫn như cây đời mãi mãi xanh tươi
Xã hội - Ngày đăng : 09:44, 21/01/2017
Cụ Dương Thị Dồi ngấp nghé tuổi 102. |
Đại gia đình làm cách mạng
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm chúng tôi về Hòa Thắng, Bắc Bình. Con đường trải nhựa rộng rãi khá dễ đi đưa chúng tôi về khu Lê - mảnh đất anh hùng ngày nào. Một bên là biển xanh bát ngát, một bên là đồi cát hồng mênh mông thật đẹp. Hòa Thắng thời kháng chiến là một vùng đất thuộc chiến khu Lê Hồng Phong bất khuất, một vùng căn cứ nằm trong tầm đạn pháo của địch. Hết đạn bom, đến những trận càn quét khốc liệt của giặc nhưng người dân nơi này vẫn không khuất phục, sống và chiến đấu hết sức kiên cường. Đó là sức mạnh của ý chí kiên trung, của niềm tin vững chắc vào Đảng lãnh đạo. Trong đó có gia đình cụ Dương Thị Dồi. Cụ sinh năm 1915, tết này cụ tròn 102 tuổi, có 9 người con đều theo cách mạng, trong đó 4 người đi bộ đội, 4 người là thanh niên xung phong… chưa kể dâu, rể cũng tham gia kháng chiến, có 1 rể là liệt sĩ lúc còn làm Huyện đội phó Hòa Đa. Chồng cụ là liệt sĩ Mãn Tấn Hưng, một trong những cán bộ tiền khởi nghĩa, từng phụ trách Hội Nông dân cứu quốc, sau là Chủ tịch xã Hồng Chính.
Chồng thoát ly, cụ ở nhà nuôi con và làm cơ sở cách mạng. Con cái đứa nào đủ tuổi cũng đi theo con đường của cha. Gia đình tham gia cách mạng nên năm 1956 trước nhà cụ đã bị bọn địch gắn bảng đỏ “Gia đình Cộng sản”, sau đó chúng tịch thu gia sản, bắt giam cụ ở quận Hòa Đa một thời gian rồi thả về. Đến gần cuối năm 1957 chúng lại tịch biên gia sản lần nữa, đuổi hết cả nhà đi và bắt cụ lần nữa. Trước tinh thần kiên trung của cụ, không khai báo gì dù bị tra khảo, đánh đập dã man chúng lại phải thả cụ ra…
Cả đời hy sinh vì chồng con
Nghe chị Sáng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Phan Thiết, anh Ba Dũng là Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Bình Thuận kể về cụ mới thấy hết tình yêu thương vô bờ của cụ đối với các con. Ngày đó nhà nghèo, con đông, hàng ngày cụ gánh khoai, đậu ra tận chợ Mũi Né để bán. Lúc bụng chửa người con thứ bảy vượt mặt, nhưng cụ vẫn phải gánh hàng chạy chợ nên cụ đẻ rớt chị Bảy ngay tại bãi biển. Người dân thấy vậy dùng vỏ sò cắt rốn sau đó mới đưa cụ vào nhà hộ sinh. Chị Bảy giờ sống ở Tuy Phong, đang hưởng chế độ bệnh binh. Có bữa nhà không còn gạo chỉ nấu khoai ăn thay cơm, cụ nhường cho con ăn xong còn lại cụ mới ăn. Con cái đứa nào cũng yêu thương như nhau, đứa nào làm sai điều gì cụ đều rầy la, chỉ dạy rất có tình, có lý và đều nhắc nhở các con sống có lý tưởng, có ý chí vươn lên đi theo con đường cách mạng…
Lúc chúng tôi bước vào nhà, cụ đang ngồi trên chiếc giường ngoài phòng khách và hỏi ai vậy? Nghe đứa cháu bảo có anh Ba về thăm, cụ cười móm mém. Làn da đồi mồi, tóc bạc trắng còn ít trên đầu, đôi mắt còn tỏ lắm…nhìn cụ ánh lên sự phúc hậu. Hơn trăm tuổi nhưng cụ còn rất minh mẫn, thích xem cải lương trên ti vi, nghe cũng còn rõ. Điều đặc biệt nhất ở cụ mà ai gặp cũng đều khen là cụ có đôi tai rất to và dài. Nghe nói ai có đôi tai này thường sống rất trường thọ. Cụ có vẻ gầy đi so cách đây 2 năm tôi đã từng gặp, do cụ bảo dạo này ăn ít được, cứ hay bị trào ra vì thực quản cũng hẹp rồi, cơm ăn bữa được lưng chén. Món ăn ưa thích của cụ là bánh canh, thịt vịt luộc chấm mắm gừng phải tự cụ xé ra ăn mới ngon chứ băm nhỏ mất hết chất. Hỏi cụ bí quyết nào mà sống thọ vậy, cụ cười hiền hậu nhỏ nhẹ: “Ngày xưa gian khổ nhiều, lao động nhiều, nhờ con cháu chăm sóc chu đáo chứ có gì đâu”. Cụ còn khoe mình được hưởng cả mấy chế độ luôn: nào chế độ tù đày, vợ liệt sĩ, người có công, chế độ tiền khởi nghĩa của chồng… cụ còn được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Tiền đó cộng lại hơn 3 triệu đồng/tháng cụ để dành cho con cháu vào dịp cưới hỏi.
Mỗi khi xuân về, tết đến, gia đình cụ lại rộn rã hẳn lên, bởi mùa xuân cũng là mùa con cháu sum vầy chúc thọ, chúc phúc. Hôm gia đình làm lễ mừng Đại thọ cụ tròn trăm tuổi có hơn cả trăm con cháu tới dự thật vui, cụ còn khoe tấm hình cụ mặc áo dài đỏ nhìn rất đẹp lão. Những điều giản dị ấy sẽ mãi là niềm hạnh phúc của người cao tuổi, góp thêm cho cụ một cuộc sống viên mãn, tròn đầy, cứ như cây đời mãi mãi xanh tươi.
Hà Thu Thủy