Cùng thanh niên khởi nghiệp
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:28, 13/03/2017
Dám nghĩ, dám làm
Lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, Trần Quang Hùng (SN 1988) ở thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết gác lại ước mơ vào giảng đường đại học để bắt đầu lo kinh tế gia đình. Chàng trai 19 tuổi khi ấy hết sức khó khăn khi không có vốn, tài sản chỉ là 4ha đất cát bạc màu. “Nên đi kiếm việc làm hay ở nhà bám đất sản xuất nông nghiệp?”. Câu hỏi ấy khiến anh suy nghĩ nhiều ngày và đưa ra quyết định: “Cứ thử làm bạn với đất đã rồi đi hẵng chưa muộn”.
Trần Quang Hùng lao vào tìm hiểu các mô hình nông nghiệp hiệu quả, cũng như kỹ thuật sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất địa phương. Vẫn chọn trồng 2 vụ đậu phộng, 1 vụ mè mỗi năm, nhưng khác là Hùng rất chú trọng đến khâu làm đất, chọn giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… nhờ đó năng suất luôn đạt cao, thu lãi 150 triệu đồng/năm. Tích cóp được một số vốn, anh xuống giống 500 trụ thanh long và nuôi hơn chục con bò, tiếp đó hạ bình điện chong đèn thanh long trái vụ. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Trần Quang Hùng là một trong những thanh niên nông thôn tiêu biểu vừa được Tỉnh đoàn tuyên dương tại diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”.
Về Sông Phan, Hàm Tân khi hỏi mô hình trồng táo xanh của anh Bùi Tấn Long mọi người sẽ được hướng dẫn tận tình vào tận vườn. Sinh ra ở Phan Rang (Ninh Thuận) nhưng lại bén duyên với vùng đất Sông Phan nhiều năm nay. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào lúa 2 vụ, nhưng năng suất không cao vì thế luôn thiếu trước hụt sau. Sau một chuyến về Phan Rang, được người thân gợi ý và thực tế thấy các giàn táo ở đây, anh đã mua 120 gốc táo giống ghép về trồng thử. Không có vốn và cũng chưa tin tưởng lắm vì diện tích đất trồng táo ít dinh dưỡng, thiếu nước nên anh chỉ làm giàn gỗ tạm bợ. Sau 8 tháng làm đúng như kỹ thuật ở Phan Rang, từng chùm trái chi chít, kéo xệ cả giàn gỗ, sau vụ đó anh vay mượn đúc trụ bê tông làm giàn đỡ. Anh Long nhẩm tính, cứ 4 tháng vườn táo cho thu hoạch một lần với sản lượng 5 tấn/sào, giá bán hiện nay từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về 30 triệu đồng/vụ, gấp nhiều lần so trồng lúa. Anh cũng đã mở rộng thêm 1 sào/80 gốc và được Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Tân hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước trong mùa khô.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Bùi Tấn Long cho biết: “Một trong những yếu tố giúp thanh niên khởi nghiệp thành công đó là phải có sự mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm, thường xuyên học hỏi kiến thức, đặc biệt cần phải có sự kiên trì, cố gắng”.
Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cho biết: Tiếp nối chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, tháng 4/2017 Tỉnh đoàn sẽ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2021. Qua đó tuyên truyền sâu rộng hơn trong đoàn viên, thanh niên về chương trình khởi nghiệp, cổ vũ, khuyến khích, phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện, năng động sáng tạo và nguồn lực trong thanh niên để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương; đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm... Tại lễ phát động sẽ ra mắt Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh. Đây là “nền móng” vững chắc giúp thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, các kiến thức, kỹ năng quản trị điều hành, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn…
Thùy Linh