Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”: Góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:23, 10/05/2017
Ảnh: Đ.H |
Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” được tỉnh triển khai trong 6 năm qua, đã nhận được sự đóng góp rất lớn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ở góc độ lãnh đạo ngành giáo dục, ông nhận thấy chương trình này có ý nghĩa ra sao?
Ông Phan Đoàn Thái: Thực hiện theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2011 đến nay, cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” mang một ý nghĩa nhân văn to lớn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đồng thời, chương trình đã và đang thể hiện tốt truyền thống tương thân tương ái, khơi dậy, lan tỏa trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc giúp đỡ các em học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ phải bỏ học được tiếp tục đến trường học tập, nuôi dưỡng ước mơ và lòng tin về cuộc sống, để sau này khi ra đời trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ông cho biết có bao nhiêu suất học bổng được cấp từ chương trình này. Những đối tượng nhận học bổng có đúng tiêu chí mà chương trình đặt ra. Việc xét duyệt ở cấp cơ sở như thế nào?
Trong 6 năm (2011 - 2016), tổng số suất học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” được cấp ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã là 17.139 suất với tổng trị giá 20.683.333.000 đồng. Những đối tượng học sinh được nhận học bổng đảm bảo đúng tiêu chí mà chương trình đặt ra. Việc xét duyệt ở cấp cơ sở đảm bảo đúng trình tự yêu cầu, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan (sai sót trong hồ sơ đề nghị cấp học bổng, sai năm sinh, điểm, lớp, không khai rõ hoàn cảnh gia đình, không đúng mẫu đơn…), nên việc tổng hợp, kiểm tra, xác nhận hồ sơ cấp học bổng của tỉnh cho học sinh, sinh viên còn chậm, làm thời gian xét duyệt bị kéo dài.
Việc trao học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” đã giúp ngành giáo dục hạn chế học sinh bỏ học?
Qua 6 năm thực hiện cuộc vận động, cùng với việc đề ra những giải pháp tích cực khác (cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…), đã tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, góp phần tích cực giảm tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp học. Từ tỷ lệ 1,81% học sinh bỏ học năm học 2010 - 2011, đến năm học 2015 - 2016 chỉ còn 0,74%.
Thưa ông, các trường hợp sinh viên, học sinh được nhận học bổng có theo đến cùng việc học, tương lai của các em hiện nay ra sao ?
Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy các em học sinh được nhận học bổng hầu hết đều theo đuổi đến cùng việc học. Trong đó, các sinh viên được nhận học bổng đều hoàn thành hết chương trình học, còn một số ít học sinh phổ thông vì nhiều lý do nên việc học có bị gián đoạn. Sau khi ra trường, các em có việc làm ổn định và một số em vẫn giữ liên lạc với Hội Khuyến học của tỉnh như em Ngô Kim Hoa (SN 1993) ở xã Huy Khiêm (Tánh Linh), được nhận học bổng từ lớp 10 đến khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm, hiện đang công tác tại Công ty Thảo Nguyên xanh TP. Hồ Chí Minh; em Nguyễn Thị Trinh (SN 1993), xã Tân Hải (La Gi), được nhận học bổng từ lớp 10 đến khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện đang công tác tại UBND xã Tân Hải.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Ngọc