Vốn vay ưu đãi giúp thanh niên lập nghiệp
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:11, 21/09/2017
Là 1 trong 4 đơn vị thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH gồm Hội Liên hiệpphụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Từ 2002 đến nay, sau gần 15 năm thực hiện, tổng dư nợ vốn ủy thác do Tỉnh đoàn đang quản lý đạt hơn 300 tỷ đồng với gần 13.500 hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn với trên 320 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, các chương trình cho vay có dư nợ cao như: hộ nghèo trên 36 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 47 tỷ đồng; học sinh, sinh viên trên 61 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn gần 41 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 64 tỷ đồng… Cùng với việc quản lý nguồn vốn ủy thác, Tỉnh đoàn còn phối hợp với NHCSXH quản lý 1,25 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm (gọi Quỹ cho vay giải quyết việc làm – nguồn vốn 120 Trung ương Đoàn) nhằm triển khai các dự án tạo việc làm cho thanh niên.
Để đoàn viên thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn vay thuận lợi, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, triển khai đến các cấp bộ đoàn thực hiện tốt các công đoạn ủy thác với NHCSXH. Đồng thời, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Vận động tổ viên chấp hành Quy ước hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hành tiết kiệm; giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Bên cạnh đó, kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều hộ từ làm ăn nhỏ lẻ đã phát triển thành trang trại quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và tạo việc làm ổn định. Điển hình, thông qua 6 dự án từ nguồn vốn 120 Trung ương Đoàn như cơ sở sản xuất đá hoa cương của anh Dương Văn Nhựt (khu phố 5, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong); kinh doanh dịch vụ điện tử của anh Nguyễn Thanh Bình (thôn Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý)… đã và đang tạo được việc làm thường xuyên cho 61 lao động tại các địa bàn trong tỉnh. Hay như từ nguồn vốn ủy thác, anh Huỳnh Bá Tùng (thôn 2, xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh) đã đầu tư trang trại nuôi heo bằng hệ thống chuồng lạnh; quy mô 2.000 m2 với 500 – 600 con mang lại thu nhập 500 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
Nhờ vốn vay ưu đãi đã mở ra nhiều con đường khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên, giúp nhiều hộ thanh niên vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vốn vay cho thanh niên hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu và nhiều khó khăn về thủ tục, các quy định ràng buộc để vay.
NgỌc Hân