Lận đận cao đẳng, trường nghề:

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:12, 01/11/2017

Bài 1:  “Hụt” chỉ tiêu tuyển sinh, mất cân đối quy hoạch

BT- Sự thay đổi quy mô số lượng trường, quy mô chỉ tiêu… làm cho các trường cao đẳng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu trong nhiều năm liền.

                
Lớp học ngành may tại Trường Cao đẳng Nghề    Bình Thuận.

“Hụt” chỉ tiêu liên tục

3 trường cao đẳng tại Bình Thuận có tỷ lệ tuyển sinh đầu vào trong những năm gần đây không đủ chỉ tiêu, giảm sút đáng kể. Cụ thể, với hệ ngoài sư phạm của Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, năm 2014 trường tuyển 407 sinh viên nhập học. Số lượng sinh viên đầu vào năm 2015 ở mức thấp kỷ lục, tương ứng 176 sinh viên. Riêng năm 2016, trường tuyển 403 thí sinh, tăng thêm 227 sinh viên so năm 2015. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã giao.

Đồng cảnh ngộ, năm 2014, Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận được giao chỉ tiêu đào tạo 200 sinh viên ngành điều dưỡng, nhưng chỉ có 134 sinh viên nhập học, chiếm tỷ lệ 67% chỉ tiêu. Tiếp tục năm 2015, số lượng nhập học  giảm sâu, với 53 sinh viên, chiếm 22,2% so với chỉ tiêu 300 sinh viên. Năm học 2016, trường chỉ hoàn thành 30,3% chỉ tiêu tuyển sinh, tương ứng 91 sinh viên nhập học. 9 tháng năm 2017, có 152 sinh viên nhập học, nhưng chỉ đạt 50% so chỉ tiêu (300).

Tương tự như 2 trường trên, nếu năm 2014 Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận tuyển được 337 sinh viên hệ cao đẳng nhập học, thì số lượng này giảm còn 266 sinh viên năm 2015. Năm 2016, trường chỉ tuyển được 184 sinh viên, giảm 30,83% so năm 2015. 9 tháng năm 2017, 190 sinh viên nhập học.

Không riêng gì các trường cao đẳng tại Bình Thuận, các trường  từ các tỉnh, thành phố khác rất khó khăn về tuyển sinh, số lượng thí sinh ngày càng giảm. Tuy nhiên, số lượng trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước thì lại tăng, chỉ tiêu các trường này hàng năm cũng tăng. Đó là đánh giá của một số đại biểu tại hội thảo khoa học về công tác tuyển sinh cao đẳng gần đây.

 Mất cân đối

Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng đến năm 2020, cả nước có 460 trường ĐH, CĐ, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Thực tế, cả nước hiện có 719 trường ĐH, CĐ và tương đương; tăng gần gấp đôi so với quy hoạch. Dĩ nhiên quy mô chỉ tiêu tuyển sinh cũng có sự thay đổi đáng kể khi quy mô số lượng trường lớp tăng nhanh. Năm 2011, tổng chỉ tiêu các trường ĐH, CĐ hơn 165.000 thí sinh và tăng đến 640.000 thí sinh năm 2014. Năm 2016, chỉ tiêu các trường tiếp tục tăng ở mức 647.000 thí sinh. Nếu trừ khoảng 5% số bỏ thi, thi rớt tốt nghiệp và 19.000 thí sinh bị điểm liệt, thì tổng số thí sinh còn lại đủ điều kiện nộp hồ sơ là 595.000 em. Như vậy, nhu cầu thực tuyển lớn hơn nguồn cung 8,5%. Chưa kể số lượng thí sinh ảo tưởng đăng ký vào các trường tốp trên, làm cho các trường tốp dưới  phải cạnh tranh gay gắt trong việc tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  đang chủ quản hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ trên cả nước. Trong đó có hơn 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập, gần 1.000 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Cũng trong năm nay, cả nước có khoảng  866.000 học sinh thi THPT, có 340.000 em vào các trường đại học, 52.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Số còn lại là 474.000 em cho các trường nghề, du học, xuất khẩu lao động. Nếu tất cả 474.000 thí sinh hoàn toàn đăng ký học nghề, thì 2.000 cơ sở giáo dục nghề này liệu có tuyển đủ chỉ tiêu?

                
   
Kỹ thuật pha chế cocktail tại Trường Cao    đẳng Nghề Bình Thuận.

Thông qua số liệu phân tích trên của 2 năm gần nhất (2016, 2017) cho thấy rằng sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực giữa quy mô trường, quy mô chỉ tiêu, quy mô thí sinh dự thi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng các trường cao đẳng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đề ra.

 Tác động khác

Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hơn 90% học sinh THPT sẽ thi ĐH sau tốt nghiệp; với tâm lý sính bằng cấp, không vào được ĐH xem như thất bại trên con đường lập nghiệp. Song, hoạt động hướng nghiệp từ THCS đến THPT đều hướng vào trường đại học, du học… làm cho các trường cao đẳng, trường nghề bị hạn chế sự thu hút học sinh.

Theo tiến sĩ Trần Lương Công Khanh (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận), nhà tuyển dụng và trường đào tạo chưa tìm được tiếng nói chung. Ngoài bằng cấp, sinh viên ra trường khó tìm kiếm được việc làm, bởi thiếu các kỹ năng khác. Doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Vì thế, vòng tròn luẩn quẩn mà cái sau là nguyên nhân lẫn hệ quả của cái trước: sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, doanh nghiệp không tuyển được lao động, trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Một số tỉnh, thành như Hà Nội, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút lượng lớn học sinh đến trường nghề và có việc làm sau tốt nghiệp. Bởi những nơi đây ngành công nghiệp khá phát triển, có đầu tư nước ngoài. Nếu công nghiệp Bình Thuận phát triển mạnh, thì tuyển sinh tại địa phương sẽ khởi sắc. Đây là nhận định của Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tâm (Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận).

    
  

  

  

  Trường Cao đẳng   Nghề Bình Thuận vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp,   cao đẳng nghề cho 283 học sinh, sinh viên; với các ngành nghề như quản   trị khu resort, quản trị khách sạn, kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không   khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, quản trị mạng máy tính, kế toán   doanh nghiệp… Theo đó, tốt nghiệp loại xuất sắc đạt 1,2%,  giỏi 24%,    khá 50,1%...

    Tại buổi lễ, Hiệu   trưởng Nguyễn Thanh Tâm gửi lời cảm ơn các thầy, cô giúp đỡ các em vượt   qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Đồng thời, chúc mừng các   học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp và mong các em không ngừng nâng cao   trình độ chuyên môn, kỹ năng ở những môi trường mới…

Trang Minh