Bộ Giáo dục & Đào tạo: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 14:07, 10/01/2019
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết xây dựng, đổi mới chương trình GDPT là một trong những nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành. Nếu những chương trình trước, việc đổi mới tiến hành từ sách giáo khoa, các cấp học, thì chương trình lần này tiếp cận theo hướng quốc tế. Ban thực hiện sẽ xây dựng chương trình theo khung sau đó mới chi tiết hóa. Yêu cầu của chương trình tương đối cao, đảm bảo hướng đến chất lượng quốc tế và phù hợp với thực tiễn. Bộ trưởng nhấn mạnh, kết quả của triển khai chương trình GDPT mới phụ thuộc việc triển khai, trong đó vai trò của đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý hết sức quan trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019. Việc triển khai chương trình GDPT mới thành công hay không phụ thuộc sự kết hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, cùng mục đích sớm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục.
Chương trình GDPT mới được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và từ năm 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. |
Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, chương trình GDPT mới bao gồm: Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, THCS, THPT. Chương trình được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu hướng phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, “tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Để triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện. Các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên; điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; ưu tiên bố trí ngân sách, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; đẩy mạnh truyền thông về đổi mới chương trình GDPT mới tại địa phương…
TT