Khó xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở Hàm Thuận Nam

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 17:34, 25/12/2018

BT- 2 năm qua, mặc dù huyện Hàm Thuận Nam tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) ở các cấp học. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đồng bộ theo tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
                
Trường tiểu học Mương Mán, huyện Hàm Thuận    Nam duy trì giữ chuẩn quốc gia mức độ 1.

Ông Nguyễn Minh Quốc - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Đến năm 2016, huyện Hàm Thuận Nam có 13/54 trường học đạt CQG, đạt 24,07% kế hoạch, trong đó có 1 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 3 trường THCS. Theo đề án xây dựng trường học đạt CQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ có thêm 6 trường học đạt chuẩn. Riêng 2 năm 2017 và 2018, lộ trình huyện sẽ đạt 3 trường là mẫu giáo Hàm Minh, Hàm Cường và THCS Mương Mán. Tuy nhiên đến hết năm 2018, huyện vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn theo lộ trình nhưng có thêm 2 trường học tiểu học ngoài lộ trình đạt CQG là Hàm Minh 1 và Tân Thuận 2. Theo ông Quốc, mặc dù phòng đã xây dựng kế hoạch để hướng dẫn các trường học căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị để xây dựng trường CQG. Đồng thời, phòng luôn theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa. Song nhìn chung hầu hết các trường vẫn còn thiếu nhiều phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, khu hành chính hiệu bộ…

Nếu so với quy chế về các tiêu chuẩn xây dựng trường CQG của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì cơ sở vật chất của các trường vẫn chưa đáp ứng tốt để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, tăng cường thực hành. Cũng như yêu cầu mở rộng việc tổ chức học 2 buổi/ ngày cho giáo dục phổ thông cũng như mầm non chưa được đáp ứng… Đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi cơ sở vật chất đòi hỏi phải đáp ứng đồng bộ theo tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện trong khi nguồn kinh phí đầu tư của huyện thì có hạn. Đơn cử, bậc mẫu giáo có Trường Mỹ Thạnh không đạt về quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; Trường Hàm Cần không có nhà bảo vệ, tại điểm lẻ thôn Lò To thiếu đồ dùng đồ chơi, thiếu phòng giáo dục thể chất nghệ thuật… Bậc tiểu học có Trường Hàm Cần 1 thiếu khối hành chính hiệu bộ, phòng học chức năng, cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà để xe giáo viên, học sinh, khu vệ sinh học sinh xuống cấp; Trường Hàm Thạnh 1 thiếu khối hành chính hiệu bộ, phòng học chức năng. Một số trường THCS như Thuận Quý thiếu đồ dùng học tập, thí nghiệm thực hành, nhà để xe giáo viên và học sinh; Tân Lập thiếu khối hành chính, hiệu bộ, thí nghiệm, thực hành…

Xác định xây dựng trường học đạt CQG vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện. Ông Quốc cho biết thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND huyện, các ban ngành có liên quan ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường dự kiến đạt chuẩn còn thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng hiệu bộ, kho chứa trang thiết bị, thư viện, hệ thống nước sạch, điện, sân chơi, bãi tập… Đồng thời, tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ngành có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường học. Quy hoạch mở rộng thêm diện tích khuôn viên ở một số trường hiện còn thiếu theo chuẩn của Bộ Y tế quy định. Cùng với đó, tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt tiêu chuẩn để bố trí phù hợp đúng quy định theo Điều lệ trường phổ thông. Trong đó đặc biệt chú ý đến các trường dự kiến đạt chuẩn phải có đầy đủ giáo viên ở tất cả các bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Chỉ đạo các trường học tăng cường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giúp đỡ học sinh nghèo…

THU HÀ