Cha mẹ không làm gương, thầy cô dạy mấy cũng bằng thừa

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 11:26, 08/11/2019

BT- Dừng xe trước đèn đỏ, không chen lấn xô đẩy khi xếp hàng, bỏ rác đúng nơi quy định hay nhặt được của rơi trả người đánh mất… những bài học ấy học sinh - đặc biệt là những trẻ nhỏ, luôn được thầy cô dạy trên trường. Khá nhiều em, ở trường thực hiện rất tốt. Thế nhưng, thay vì khuyến khích, biểu dương các em thì nhiều bậc phụ huynh lại bài xích, giễu cợt, bắt các em phải làm điều ngược lại chỉ vì thấy tiện ích trước mắt. Những câu chuyện được kể sau đây sẽ cho chúng ta câu trả lời vì sao học sinh lại ít nhớ bài học về kỹ năng sống mà thầy cô đã dạy...  
                
      
   Để con có một cuộc sống ý nghĩa, hạnh    phúc và thành công, cha mẹ cần từ bỏ lối giáo dục con cái không lành    mạnh.

Chỉ được cái... vẽ chuyện

Đang đứng chờ đèn xanh, cậu học trò tuổi mẫu giáo được mẹ chở vụt qua. Tiếng cậu bé la lên “Sao đèn đỏ mẹ lại chạy? Mẹ như thế là vi phạm giao thông, mẹ quay lại ngay, không cô nhìn thấy mai sẽ phạt con trên lớp”. Vừa nói, cậu bé vừa lắc lư người tỏ ý phản đối để buộc mẹ phải quay lui lại. Có lẽ đang bận nên chị cứ đi luôn. Cu cậu càng gào lên một cách cương quyết, miễn cưỡng chị lùi lại và không quên nạt cu cậu “Chỉ được cái vẽ chuyện”.

Cô bé lớp 1 tay nắm chặt vỏ hộp sữa mà không chịu buông ra. Cô bé yêu cầu mẹ “tìm nơi nào có thùng rác để con bỏ xuống. Vứt rác ra đường gây ô nhiễm môi trường ai cũng bệnh hết”. Nghe con nói, thay vì động viên, khuyến khích, người mẹ buông câu “Lắm chuyện, thiên hạ vứt đầy ra đấy có sao đâu?”.

Người viết bài từng nghe, từng chứng kiến có học trò nhỏ của mình vừa thổn thức vừa nói “mẹ không dừng xe cho con bỏ rác mà bắt con vứt xuống đường”. Có em lại kể “ở nhà mẹ cũng bỏ rác ngoài đường luôn cô ạ”. Em thì nói “con thấy người lớn cũng làm thế mà”.   

Cha mẹ gương mẫu luôn là tấm gương tốt cho con

Dạy học cả năm tôi nhận thấy một cô bé học trò chưa bao giờ vứt một mẩu rác (dù đó là mẩu gọt bút chì) ra lớp như một số bạn học sinh khác. Tình cờ không ít lần tôi nhìn thấy em cúi xuống nhặt rác dưới chân mình và mang bỏ vào sọt rác cách đó khá xa. Không ít lần, cô bé kể “nhà con có rất nhiều thùng rác. Mẹ dặn từng loại rác phải được bỏ riêng để khỏi làm bẩn môi trường”. Sau này, tôi biết được, mẹ cô bé cũng là một giáo viên gương mẫu. Ngay ở trường chị vẫn thường vận động đồng nghiệp của mình thực hiện việc phân loại rác trước khi bỏ rác vào thùng.

Lúc đó tôi mới hiểu, sống với một người mẹ như thế thảo nào cô bé học trò của mình luôn có ý thức rất cao trong việc giữ gìn môi trường. Ở trường thầy cô luôn dạy các em bỏ rác đúng nơi quy định. Nội dung dạy được lồng ghép trong nhiều bài học, trong các tiết sinh hoạt, trong những giờ lao động ngoại khóa, trong các buổi làm vệ sinh của lớp, của trường…Chính các thầy cô cũng luôn làm gương cho học trò. Nhiều học sinh đã thực hiện rất tốt.

Thế nhưng dù nhà trường có dạy các em thế nào nhưng thời gian các em ở với gia đình nhiều hơn thế. Cách dạy của cha mẹ, cách làm gương của người lớn, bài học từ thực tiễn tác động đến trẻ mạnh gấp nhiều lần những lời giảng dạy lý thuyết của thầy cô. Dù thầy cô có nỗ lực đến đâu nhưng phụ huynh cứ dạy con mình như thế há chẳng phải là vô ích hay sao? 

HUYỀN Phan