“Tháp nước que kem” của cậu học trò nhỏ

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:01, 16/01/2020

BX- Gặp em sau chuyến đi Hà Nội nhận giải cuộc thi sáng tạo của Thanh thiếu niên – Nhi đồng toàn quốc năm 2019 mới về. Cái cảm giác phấn khởi của lần đầu tiên được đi xa ra tận Hà Nội với em vẫn còn lâng lâng. Nhất là niềm tự hào khi lần đầu được viếng Lăng Hồ Chủ tịch – niềm mơ ước lâu nay đã thành hiện thực. Đồng thời, còn được khám phá những cảnh đẹp, khu di tích lịch sử tại Hà Nội như văn miếu – Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột… mà trước đây chỉ biết qua lời giảng thầy cô. Lê Anh Quân  - cậu học trò hiện đang học lớp 6A4 Trường THCS Hùng Vương (TP. Phan Thiết) đã giành giải ba toàn tỉnh và đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo của Thanh thiếu niên – Nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 năm 2019 với mô hình “Tháp nước Phan Thiết”.
                
Em Lê Anh Quân.

Điều đặc biệt, mô hình “Tháp nước Phan Thiết” của Quân được làm hoàn toàn bằng thủ công. Nhất là Quân đã biết sáng tạo, tận dụng từ những vật dụng phế thải đơn giản tưởng chừng như bỏ đi, đó là những cây que kem. Qua đôi bàn tay khéo léo của em cùng sự đam mê, kiên nhẫn gần 3 tháng trời để hoàn thành mô hình thiết kế “Tháp nước Phan Thiết” “độc’’ và “lạ”. Quân chia sẻ: Mô hình này được hình thành dựa trên ý tưởng Tháp nước Phan Thiết – một biểu tượng của TP. Phan Thiết. Cũng nhằm góp phần thêm cho bài giảng của thầy cô giới thiệu quảng bá quê hương mình.

Quân cho biết, vốn sinh ra và lớn lên từ vùng quê biển xanh, cát trắng nắng vàng cùng với Tháp nước Phan Thiết là nơi từng gắn bó tuổi thơ, em được vui chơi cùng gia đình vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ở nơi đó là một không gian công viên đã có từ lâu đời, nơi đã từng trải qua những năm tháng hào hùng của dân tộc cũng như chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của vùng đất quê em, và cũng từ nơi đó có một công trình tượng trưng cho tình hữu nghị  keo sơn bền đẹp giữa 2 nước Việt – Lào. Ở ngay trong vườn hoa này, gần với dòng sông Cà Ty thơ mộng chảy ngang giữa lòng thành phố là một tháp nước đẹp và cao, tự bao giờ vẫn hiên ngang như thế, và em được biết rằng đó là di tích tự hào của quê em, mỗi khi ai đó nói về Phan Thiết đều nhắc đến Tháp nước Phan Thiết. Qua đó cũng nhằm giới thiệu với du khách về tháp nước này.

Chia sẻ về phương pháp chế tạo mô hình, Quân cho biết: Que kem có đặc điểm thẳng dễ làm, hơn nữa sở thích khoái ăn kem từ nhỏ, do đó tận dụng chọn làm vật liệu chính cùng với tăm tre, nan tre và một số công đoạn phải nhờ đến thiết bị điện.

“Ba là người trực tiếp đồng hành hướng dẫn em trong quá trình thực hiện mô hình, tuy nhiên quá trình làm gặp không ít khó khăn vì đây là công trình kiến trúc đã và đang tồn tại nên cố gắng làm sao phù hợp và giống hình ảnh thực tế nhất. Đồng thời để có được sản phẩm hoàn chỉnh thì cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng giai đoạn, từng góc khuất của mô hình”, Quân cho biết. Trong quá trình lắp ráp nhiều lần thất bại, cũng tốn khá nhiều vật liệu và thời gian, công sức, đã có lúc cậu học trò nhỏ muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn động viên kịp thời của ba, Ban Giám hiệu và thầy cô Trường tiểu học Phú Thủy 1 cùng với sự theo đuổi đam mê sáng tạo và nỗ lực kiên trì của em, qua 3 tháng mô hình dần hoàn thiện.

Vào năm 2018, lần đầu tiên đến với cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên – Nhi đồng của tỉnh, em cũng tham gia dự thi  mô hình biểu tượng “Cột mốc Trường Sa” và đạt giải khuyến khích. Quân cho biết, thời gian tới em sẽ tiếp tục ấp ủ sáng tạo các ý tưởng về khoa học kỹ thuật để tham gia các cuộc thi tiếp theo. Về đề tài thì không thể tiết lộ, nhưng chắc chắn sẽ là một mô hình có ý nghĩa không chỉ về lịch sử mà còn là biểu tượng đặc trưng của một địa phương nào đó của Bình Thuận.

Thùy Vy