Hạt Kiểm lâm Đức Linh: Không có tình trạng “bảo kê” các điểm thu mua thú rừng
Xã hội - Ngày đăng : 08:12, 05/04/2017
BT- Sau khi Báo Bình Thuận đăng loạt bài “Nước mắt… thú rừng”, mới đây phóng viên đã liên lạc với ông Trần Ngọc Sanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Linh để tìm hiểu và làm rõ thêm một số thông tin có liên quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Sanh cho biết: “Thời gian qua, đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng vì địa bàn rộng, nhân lực lại mỏng nên rất khó phát hiện các đối tượng lén lút vào rừng săn bắt. Về tình trạng vận chuyển, thu mua thú rừng trái phép trên địa bàn khá phức tạp, do đó việc xử lý, bắt giữ các phương tiện đang vận chuyển thú rừng hoặc đang cất giấu trong nhà gặp rất nhiều khó khăn vì buộc phải có lệnh khám xét”. Nói về dư luận cho rằng, đang có tình trạng “bảo kê” cho các điểm thu mua thú rừng hoạt động nhiều năm nay, ông Sanh khẳng định: “Tuyệt đối không có tình trạng này. Chúng tôi luôn quán triệt đến cán bộ, nhân viên không được buông lỏng những trường hợp săn bắt thú rừng trái phép. Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông như báo, đài phối hợp để cung cấp những thông tin, “chỉ điểm” những cơ sở chuyên mua bán thú rừng để đơn vị có hướng xử lý, sớm ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán thú rừng trái phép như bài báo đã phản ánh.
Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo đơn vị này cho biết: Để hạn chế tình trạng săn bắt động vật hoang dã, thời gian qua chủ trương mở rộng các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được tích cực triển khai. Từ năm 2014 đến năm 2016, toàn tỉnh có 109 cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã được cấp phép. Việc phát triển những cơ sở này không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp duy trì, tăng số lượng loài động vật hoang dã, quý hiếm trong tự nhiên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, số cơ sở nuôi động vật hoang dã toàn tỉnh chỉ còn lại 63 cơ sở với 17 loài/8.649 cá thể, chủ yếu là các loài: cá sấu, rắn, nhím, dúi, lợn rừng, kỳ đà… Bên cạnh khuyến khích các hộ phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường công tác quản lý các cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp động vật hoang dã không có nguồn gốc, hồ sơ hợp pháp. Và trong quá trình kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện, vận động cá nhân thả lại vào rừng 24 cá thể động vật hoang dã như khỉ đuôi lợn, rùa, gà rừng, kỳ đà. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm La Gi đã bàn giao 2 cá thể mèo rừng cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.
Có thể thấy, số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiếm tốn so với các tỉnh, thành khác. Số vụ vi phạm về động vật hoang dã cũng như số lượng thú rừng bị tịch thu vẫn còn hạn chế so với thực trạng săn bắt thú rừng còn nhiều phức tạp như hiện nay.
Nhóm PV