Đại võ sư Phi Long: “Giàu học võ, khó  học văn”

Thể thao - Ngày đăng : 08:51, 27/04/2016

BT- Trong võ nghiệp, đại võ sư Phi Long đã có 87 lần thượng đài từ Bến Hải đến Cà Mau do Tổng hội quyền thuật Việt Nam tổ chức. Chỉ có 1 lần hòa do ông nhận thấy đối phương không có tinh thần thượng võ. Trong giới võ cổ truyền phong ông là “con rồng đất võ”.

Cách đây đúng 3 năm, võ sư Bùi Trọng Phê cũng là giáo viên Trường THCS Hàm Minh khai giảng lớp võ cổ truyền phái Tây Sơn võ thuật đạo. Trên bàn danh dự có hai người là đại võ sư Phạm Đình Trang và một người khác cao to, quắc thước. Người đó chính là đại võ sư Phi Long, tên thật là Trần Quốc Long từ Tây Sơn - Bình Định đi xe máy vào Hàm Thuận Nam để dự lớp khai giảng của học trò là Bùi Trọng Phê.

Bùi Trọng Phê theo học thầy từ nhỏ và được thầy truyền tất cả những tuyệt kỹ của môn phái. Phê cũng là học trò thứ 19 được thầy cho phép mở võ đường để truyền bá tinh hoa của Tây Sơn võ thuật đạo tại Bình Thuận.

Đại võ sư Phi Long cho rằng: “Giàu học võ, khó học văn”.  Thấy tôi có vẻ thắc mắc, ông tâm sự: Muốn học võ phải có niềm đam mê thật sự mà thuở của ông không phải ai cũng được học võ, vì thầy phải xem tướng của học trò có thích hợp để học võ hay không, có phản hay không mới dám truyền hết những chiêu thức. Nhà giàu mời những thầy giỏi về nhà nuôi ăn, nuôi ở và chỉ có một nhiệm vụ là dạy võ riêng cho con mình cho đến khi học hết các tuyệt kỹ nên nói “giàu học võ, khó học văn” là vậy. Đại võ sư Phi Long lúc đầu học võ từ cha, chú trong gia đình, sau đó vì mê võ nên đang học ban tú tài, ông bỏ để đi tìm thêm thầy để học thêm. Sau này ông trở thành đại đệ tử của Hương kiểm Kính tức võ sư Huỳnh Liễu. Võ sư Huỳnh Liễu sáng lập môn phái Phi Long, mở võ đường Huỳnh Thảo (tên con trai của võ sư Huỳnh Liễu). Như vậy, võ sư Huỳnh Liễu là chưởng môn đời thứ nhất của môn phái Phi Long. Sau này, võ đường Huỳnh Thảo đổi tên thành Phi Long Thảo (ghép tên Phi Long và Huỳnh Thảo). Kể từ đó, ông là chưởng môn đời thứ hai của phái Phi Long. Năm 1968, lúc bấy giờ ông mới 24 tuổi đã sáng lập môn phái Tây Sơn võ thuật đạo. Theo đại võ sư Phi Long, hai bài quyền đặc sắc nhất của môn phái là “Bát quái quyền” và “Trực chỉ côn”. Vì các bài thiệu bằng chữ Hán nên ông phải diễn nôm để môn sinh dễ hiểu, dễ học.

Đại võ sư Phi Long đã đào tạo được 400 võ sư. Trong số đó có 3 cử nhân võ là: Nguyễn Thành Luật - giáo viên Trường THPT Tây Sơn, Nguyễn Ứng Hòa (Hà Tây cũ) hiện công tác tại đền Hùng- Phú Thọ, võ sư Nguyễn Tiến Hợp (Bỉm Sơn- Thanh Hóa) và tiến sĩ Nguyễn Minh Lai (Phú Yên) hiện công tác ở Văn phòng Chính phủ. Ông còn một số học trò khác mở võ đường ở nước ngoài. Ở Úc có võ sư Nguyễn Văn Hải mở võ đường Phi Long Hải, ở Mỹ có võ sư Nguyễn Trọng Hùng mở võ đường Phi Long Hùng. Cũng ở Mỹ, võ sư Lý Hoàng Tùng là Chủ tịch Tổng hội phát triển võ thuật quốc tế.

HỮU CÁN