Dự án Khu dân cư Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ  Hàm Thắng - Hàm Liêm: “Treo” quá lâu?

Xã hội - Ngày đăng : 08:57, 03/04/2017

BT- Đồ án quy hoạch xây dựng Khu dân cư TTCN-Thương mại-Dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm có diện tích khoảng 140 ha được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 6/2006, đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện được. Nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch bức xúc khi họ không thể thực hiện các quyền về đất đai như chuyển đổi mục đích sử dụng, sang nhượng, sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở… Tiếp xúc với bà con, phóng viên luôn nhận được câu hỏi: “Dự án“treo” đến bao giờ?”.


Đã có bao nhiêu dự án đầu tư vào khu quy hoạch?

Đồ án quy hoạch xây dựng Khu dân cư Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1474/QĐ-UBND 7 ngày 5/6/2006, do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư. Sau một thời gian triển khai thực hiện, vì nhiều lý do khác nhau, UBND tỉnh đã giao lại cho huyện Hàm Thuận Bắc làm chủ đầu tư. Sau khi tiếp nhận, UBND huyện Hàm Thuận Bắc nhận thấy có một số nội dung chưa phù hợp với hiện trạng và các quy hoạch khác có liên quan, nên đã kiến nghị điều chỉnh Đồ án quy hoạch xây dựng Khu dân cư Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm và được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 3902/UBND-ĐTQH ngày 7/8/2009. Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã phê duyệt điều chỉnh Đồ án Quy hoạch và quy hoạch chi tiết giai đoạn 1 với diện tích 20,4 ha. Trong số diện tích 20,4 ha, UBND tỉnh đã cấp phép xây dựng cho dự án Trường tiểu học Minh Nghĩa với diện tích 2,6 ha; phần diện tích 17,8 ha còn lại đang trong quá trình thực hiện việc sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến đầu quý 3/2017 sẽ triển khai thi công dự án. Riêng giai đoạn 2 với diện tích 115,5 ha, hiện đã có Công TNHH Đức Thuận Thành xin đầu tư xây dựng trường dạy lái xe trên diện tích 9,36 ha. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Xây dựng Nguyên Bình xin đầu tư vào khu quy hoạch và UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã phê duyệt với diện tích 9,85 ha.

Phần diện tích còn lại 96,29 ha hiện nay chưa có nhà đầu tư. Thực tế đến nay, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu ngân sách đối với các dự án trong khu quy hoạch nói trên vẫn chưa thực hiện.

 Dân bức xúc

Tìm hiểu về khu quy hoạch này, chúng tôi đã tìm đến vùng quê 2 xã Hàm Thắng, Hàm Liêm. Tiếp xúc vối ông Huỳnh Thanh Phong, 75 tuổi, ở thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng, ông cho biết: “Gia đình tôi làm ăn sinh sống ở đây từ năm 1976 đến nay. Từ khi có thông tin nơi mình ở và sản xuất nằm trong vùng quy hoạch, chúng tôi thật sự gặp khó khăn trong cuộc sống. Muốn hạ bình thanh long để sản xuất cũng không được phép, xin sửa chữa xây cất nhà cũng không cho, hỏi xã họ bảo lên huyện. Người dân chúng tôi cần biết rõ thời gian quy hoạch đến khi nào; cụ thể là ai trong, ai ngoài quy hoạch để chúng tôi biết chừng mà yên tâm lao động sản xuất và sinh sống”. Trò chuyện với hai ông Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Minh Toàn, cùng ở thôn Thắng Hiệp, có chung những bức xúc: “Người dân gặp khó khăn khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi nhu cầu nước sạch sinh hoạt, đường giao thông nông thôn…tất cả đều không thể thực hiện được khi làng quê của mình nằm trong khu quy hoạch, mà thời gian thực hiện đã quá lâu”.

Hiểu được những bức xúc của người dân, chúng tôi đặt vấn đề này với chính quyền địa phương. Ông Trần Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Sở dĩ có sự kéo dài thời gian là vì khi triển khai thực hiện đồ án quy hoạch này thì cũng là lúc có Nghị quyết 11 của Chính phủ về đầu tư công nên khó khăn về vốn, vì thế việc triển khai cũng khó khăn. Ngoài ra, đây là vùng đất quy hoạch trồng lúa, cho nên huyện đã kiến nghị chuyển diện tích đất này ra khỏi quy hoạch trồng lúa, nên mất thời gian. UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện đồ án quy hoạch này đến năm 2020 để UBND huyện Hàm Thuận Bắc có điều kiện tiếp tục kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án đang thực hiện. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chưa thật sự tâm huyết đầu tư vào khu quy hoạch nói trên, một phần do cơ chế chính sách, mặt khác nhà đầu tư cho rằng không hiệu quả khi thực hiện các dự án tại khu quy hoạch này. Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu, dẫn đến tiến độ của một số dự án còn chậm. Qua phản ảnh của phóng viên về những bức xúc, kiến nghị của người dân, tôi thấy hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, nếu bà con có nhu cầu sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở, sang nhượng nhà và đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…thì cứ làm hồ sơ, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nếu phù hợp”.

Vùng quê Hàm Thắng nằm trong khu quy hoạch. Ảnh: Ngọc Lân

Thực tế cho thấy có không ít địa phương “chạy đua”, “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, trong khi chưa tìm hiểu kỹ về các nhà đầu tư, cấp phép đầu tư tràn lan không cân nhắc kỹ. Do vậy mới có tình trạng  “dự án ma”, “dự án treo”. Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, có hiệu lực kể từ 1/7/2014 quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: Lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia và cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Nhiều người dân trong khu quy hoạch cho biết họ rất thiếu thông tin về khu quy hoạch này. Liệu rằng khi đồ án quy hoạch đã được gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2020, các nhà đầu tư có lấp đầy các dự án trong khu quy hoạch? Trong khi đó người dân vẫn cứ canh cánh nỗi lo… 

Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

 Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 điều này”.

Quang Tuấn