Công bố kết luận của Thanh tra chính phủ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các ban, ngành
Xã hội - Ngày đăng : 18:00, 31/03/2017
Buổi công bố kết luận. Ảnh Q.H |
Theo kết luận, trong thời gian đó tình hình kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bên cạnh việc tập trung thực hiện kinh tế xã hội, tỉnh còn tập trung chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Bình Thuận đã thực hiện 701 cuộc thanh tra ở 2.461 đơn vị, đã kết thúc 669 cuộc thanh tra tại 2.368 đơn vị; kiến nghị thu hồi hơn 11 tỉ đồng, hơn 100 ha đất nông lâm nghiệp… Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 7,8 tỉ đồng. 112 tập thể và 115 cá nhân bị kiểm điểm, có 9 vụ được chuyển hồ sơ sang CQĐT. Về công tác tiếp công dân, kết luận nêu rõ một số đơn vị còn bố trí nơi tiếp dân không đạt yêu cầu, có nơi không niêm yết nội quy tiếp công dân, không công khai thông tin việc tiếp dân của đơn vị mình như Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Sở TN-MT, Sở GD-ĐT… Lãnh đạo một số huyện, thị chưa chú trọng đến việc tiếp công dân. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo có đến 34,5% số hồ sơ được kiểm tra không có biên bản làm việc xảy ra tại các đơn vị Phan Thiết, Đức Linh, Hàm Tân, Sở Tài chính…, thậm chí có đến 29% đơn tố cáo không có văn bản giải trình của người bị tố cáo tại các sở TN&MT, GTVT, NN&PTNT, huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong... Về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, chỉ có duy nhất thanh tra tỉnh, còn chưa đơn vị nào thực hiện công khai kết luận thanh tra theo quy định. Nhiều cuộc thanh tra tại nhiều đơn vị không thông báo kết thúc thanh tra hoặc thông báo trễ như Hàm Thuận Bắc, Sở GTVT. Bình Thuận thường xuyên ban hành các quyết định đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ, nhưng thực chất đây là những khiếu nại tố cáo không được giải quyết, là không phù hợp với quy định hiện hành. Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã có hơn 1.000 trường hợp được chuyển đổi tuy nhiên một số đơn vị việc chuyển đổi chưa đúng đối tượng. Một số đơn vị thực hiện không đúng nguyên tắc, cụ thể là đã chuyển đổi công tác trái với chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Về việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng, toàn tỉnh có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 12 triệu đồng. Về minh bạch, kê khai tài sản, có gần 10.000 người thực hiện hàng năm và có một trường hợp ông Phạm Ngọc Chính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tánh Linh, bị tố cáo không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, có nhiều bản kê khai chưa đúng quy định. Một số trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng so với lần kê khai năm trước đã không giải trình, có trường hợp giải trình chưa hợp lý. Tuy nhiên những trường hợp trên không tiến hành xác minh theo quy định. Tại Bình Thuận còn xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu; quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, cá biệt có một số trường hợp dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chưa chính xác, biểu hiện chưa minh bạch. Còn nhiều sai sót trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đấu thầu. Chẳng hạn như gói thầu xây dựng Trường tiểu học Đức Thắng 1, Đức Thắng 2 do UBND TP.Phan Thiết làm chủ đầu tư, hay gói thầu thi công và cung cấp thiết bị cho Trường THPT Phan Thiết do Sở GĐ-ĐT làm chủ đầu tư…
Về xử lý tham nhũng, trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phát hiện 23 vụ việc tham nhũng với 44 người vi phạm; trong đó qua kiểm tra nội bộ phát hiện 11 trường hợp; đã có 11 vụ chuyển qua xử lý hình sự.
Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trên thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Chủ tịch các huyện, thị, thành phố; giám đốc, trưởng các ban ngành thuộc tỉnh tại 19 đơn vị được Thanh tra Chính phủ trực tiếp kiểm tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch tỉnh Bình Thuận nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã nêu. Trong đó cần xem xét trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm. Kết luận thanh tra khẳng định các sai sót được nêu thuộc trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn này và Chủ tịch các địa phương, sở, ngành. TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh phải nghiêm túc thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm của mình và trách nhiệm người đứng đầu cấp dưới của mình.
Được biết Văn phòng Chính phủ cũng đã có đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có biện pháp khắc phục, xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7.
Xét kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức thực hiện những kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra số 283 ngày 15/2/2017, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, xử lý theo quy định của pháp luật các sai phạm được phát hiện. |
Thu Thủy