Hòn Bà, đâu có mấy xa!

Thể thao - Ngày đăng : 08:23, 28/03/2019

BT- Đó là câu thường nói của một nhóm tắm biển trên bãi Đồi Dương (phường Bình Tân, La Gi). Và điều này không phải “bốc vui” thôi mà từ 10 năm rồi, nhóm đã từng tổ chức cuộc hành trình hàng năm từ bờ biển đến Hòn Bà với khoảng xa 2 km. Thời tiết giữa tháng hai âm lịch lý tưởng nhất cho cuộc dạo chơi này vì biển êm, sóng phẳng lặng không khác gì mặt nước hồ. Ở đây, nhóm bạn “thâm niên” với niềm đam mê đắm mình trong làn sóng biển vào mỗi rạng sáng được coi là bài thuốc hiệu nghiệm cho sức khỏe, tinh thần sảng khoái để bắt đầu đi vào công việc của một ngày. Con số thành viên tương đối ổn định khoảng 20 người, lớn tuổi nhất ở 64 và trung bình khoảng 45 - 55 tuổi, có cả nữ, đủ ngành nghề nào viên chức nhà nước, lao động tự do, buôn bán…

Tuy cự ly bơi ra hòn đảo huyền thoại này không xa mấy, nhưng anh Trần  Văn Hải vẫn là người chịu khó nhất để lo liệu phương tiện hỗ trợ bơi và kể cả liên hệ với quy định của biên phòng, vì lâu nay Hòn Bà không phải là điểm đón khách du lịch, tham quan dù đó là di tích danh thắng được tỉnh công nhận. Nhóm bơi với “hành lý” bảo hộ bằng phao cá nhân đủ sẵn sàng hòa mình vào những gợn sóng lăn tăn, lại càng yên tâm hơn với 2 chiếc xuồng bơm và 1 chiếc thuyền máy chạy cặp theo bên cạnh. Chỉ hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ lần lượt cả nhóm đủ mặt tập kết dưới chân đảo. Anh Nguyễn Xuân Phương nói lên cảm xúc của mình, hàng ngày từ bờ biển nhìn thấy Hòn Bà với hình ảnh quen thuộc và câu chuyện huyền thoại linh thiêng, nhưng khi đứng trên đảo nhìn vào bờ mới cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên dành cho ở đây một cảnh quan vô cùng thơ mộng, thanh bình. Nhóm bơi đến đảo không cần gì phải nghỉ ngơi mà tung tăng tìm những con hào, con vú nàng bám dày trên các tảng đá xanh rêu… Chỉ cần vắt tí chanh, tí muối tiêu mang theo đã trở thành một đặc sản biển tuyệt vời! Đây cũng là cơ hội cho anh em đặt chân lên hòn đảo viếng miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana được ngư dân thờ tự nhưng lại mang một sự tích khác về Bà Chúa Xứ. Trên đảo có cả tượng Phật Bà Quan Âm và am thờ Chúa Chàng Râu bên gốc cây bồ đề với bộ rễ hàng trăm tuổi. Trên đảo chỉ có một ông “thủ tự” tự nguyện ở đây chăm sóc, nhang khói và được hỗ trợ bằng gạo, thực phẩm của những ngư dân cặp thuyền núp gió.

Nhóm bơi tranh thủ giờ con nước vào trưa sẽ có sóng nên phải bơi về bờ và mang theo bao thắc mắc. Sao ngành văn hóa thể thao thị xã không nghĩ ra cuộc thi bơi hàng năm như cuộc thi leo núi Tà Cú ở Hàm Thuận Nam, nay trở thành môn thi truyền thống thu hút khách du lịch, làm phong thú thêm loại hình thể thao giải trí ở địa phương. Phương tiện hỗ trợ trên biển bây giờ không đến nỗi gì và cũng không có gì nguy hiểm như thú chơi diều lướt sóng thường diễn ra trên biển quanh đây. Đó là những ý kiến khá hợp lý để “giải phóng” con đường đến tham quan ở Hòn Bà vì đây là một thắng tích du lịch.             

PHAN CHÍNH