Mong lắm một kè biển

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:40, 07/03/2016

BT- Hàng trăm hộ sinh sống ven biển khu phố 13,14, thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) đang ngày đêm nơm nớp lo sợ cho tính mạng và tài sản của mình trước tình trạng biển xâm thực ngày càng dữ dội...

Giành giật từng tấc đất...

Năm 2016 lại là một năm mà hơn 200 hộ sinh sống ven biển khu phố 13,14, thị trấn Liên Hương ăn tết “không ngon”. Sự cố biển “nuốt” nhà xảy ra đúng vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, làm hơn 300m dọc bờ biển bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền hơn 20m, làm sụp đổ 29 ngôi nhà, thiệt hại tài sản của nhân dân khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người mất nhà, mất đất, mất tài sản và phải lánh nạn ở nhà người thân. 

Gác việc gia đình, hàng trăm người dân đã quần quật chống chọi với sóng dữ, cứu nguy bờ biển. Phụ nữ thì xúc cát đổ vào bao, thanh niên trai tráng dùng búa tạ đóng cọc cắm sâu xuống đất, bà con đan mành che chắn hai bên, chất chồng bao cát ở giữa làm kè mềm chống sạt lở. Thế nhưng, gió mạnh kết hợp triều cường, sóng to đã cuốn phăng tất cả, tiếp tục đe dọa đến 35 căn nhà khác trong khu vực. 

Những ngày qua, chính quyền địa phương tiếp tục huy động gần 60 cán bộ chiến sĩ lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ và nhân dân cùng với một số máy móc, phương tiện ngăn những cơn sóng hung hãn cuốn đi từng mảng lớn đất, đá bờ biển. Khu vực này có hình vòng cung, biển khá sâu, nước biển dâng có độ sóng cao trên 3m, gây khó khăn cho việc thi công. Các lực lượng đã phải dựa vào yếu tố thủy triều lên xuống, bất kể giờ giấc để xử lý các điểm sạt lở xung yếu nhất. Sức máy cùng với sức người “vật lộn” với biển, giữ từng tấc đất. Đoạn sạt lở được bồi đắp, gia cố bao cát, cọc cừ, phủ bạt, trong đó các đoạn xung yếu nhất được gia cố bằng đá tạo một lớp “đệm” nhằm hạn chế sức tác động trực diện của sóng vào bờ cát, gây sạt lở.    

Cần lắm một kè biển 

Cứ vào mùa này, biển lại nổi “cơn thịnh nộ” làm nhiều gia đình phải “bỏ của chạy lấy người”. Đất cuốn trôi ra biển không bao giờ lấy lại được, còn cuộc chiến giữ đất, giữ làng của cư dân ven biển quá mong manh. Theo các hộ dân trong vùng biển xâm thực, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biển xâm thực ngày càng dữ dội hơn, một phần là do nước biển có khuynh hướng dâng cao và sóng biển vỗ trực diện vào bờ, gây xói lở rất nhanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Em - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Liên Hương cho biết bằng mọi cách phải ổn định cuộc sống của nhân dân. Trước hết, địa phương đã tạm ứng kinh phí và huy động nhân lực tại chỗ để thi công gia cố cừ chắn sóng tạm thời, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở. “Giải pháp lâu dài thì nơi này cần phải xây kè chắn sóng mới đảm bảo bờ biển không tiếp tục lở sâu hơn nữa” - ông Em cho biết thêm.

Nhìn những cơn sóng to hung hãn đánh ầm ầm vào bờ, người dân luôn cảm thấy bất an. Ai cũng mong muốn có được kè biển để ổn định cuộc sống lâu dài.

    
      Trong vụ biển xâm thực tại khu phố 14, thị trấn Liên Hương, huyện đã hỗ   trợ gần 152 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại nhà (trong đó tiền   mặt 92 triệu đồng, gạo 60 triệu đồng). Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo   Việt Nam huyện đã hỗ trợ 26 phần quà (trị giá 700.000 đồng) cho các hộ   dân bị ảnh hưởng.

MINH CHIẾN