Dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển Phú Quý: Cần xã hội hóa đất san lấp mặt bằng bên trong kè

Bạn đọc - Ngày đăng : 09:15, 14/11/2017

BT - Dự án xây dựng kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 4/2011 và đến tháng 8/2014 dự án này được điều chỉnh bổ sung với mức đầu tư 598,5 tỷ đồng, do UBND huyện Phú Quý làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư giai đoạn từ năm 2016 - 2020 chủ yếu do Trung ương hỗ trợ theo chương trình biển Đông – hải đảo, bao gồm 3 gói thầu xây lắp. Công trình thi công đến cuối năm 2016 đạt khối lượng trị giá hơn 411 tỷ đồng (đã giải ngân vốn 439 tỷ đồng). Đến cuối tháng 9/2017 có hai gói thầu đã thi công hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng gồm: Tuyến đê Tây dài 148,9m, tuyến đê Đông dài 948,8m và các công trình phụ trợ thuộc khu vực bảo vệ bờ đoạn Đồn biên phòng 464 (cũ); hạng mục xây lắp kè bảo vệ bờ đoạn khu dân cư Hội An và đoạn từ Bãi Lăng đến chùa Thạnh Lâm. Hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai thi công hạng mục kè bảo vệ bờ đoạn Lạch Ông Biền, thôn Triều Dương và đoạn từ chùa Thạnh Lâm đến trước UBND huyện Phú Quý. Hạng mục này có giá...
         
   

      

      Kè chống xói lở bảo    vệ bờ biển.

Tuy nhiên, do tuyến kè thi công cách bờ từ 20m đến 50m nên khi thi công xong đã tạo nên khu vực “ao tù nước đọng” tập trung nhiều rác, chất thải khác phía bên trong kè biển với diện tích và độ sâu khá lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Nam, ngụ tại thôn Triều Dương bức xúc: “Từ khi các tuyến đê hoàn thành thì khu vực trong kè trở thành nơi chứa chất thải, nhất là nước đọng dài ngày cùng với rác bốc mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe các hộ dân sống gần đó. Người dân kiến nghị chủ dự án kè biển cần sớm san lấp tạo mặt bằng bên trong kè để xây dựng các công trình dân sinh khác…”.

Chủ đầu tư dự án cho rằng: Để giải quyết tình trạng “ao tù nước đọng” này cần phải san lấp đất với khối lượng lớn, dự kiến khoảng 70.000m3. Nhưng qua khảo sát tại địa bàn huyện Phú Quý thì không có nguồn đất để thực hiện san lấp mặt bằng nên giải pháp duy nhất là phải vận chuyển đất từ đất liền ra đảo và sẽ phát sinh chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, những tháng cuối năm trên địa bàn huyện Phú Quý thường chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, mưa gió thường xuyên; hơn nữa ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2017 đạt tỷ lệ quá thấp so với yêu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư thi công công trình.

Từ những vấn đề nói trên, thiết nghĩ để dự án xây dựng kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý sớm hoàn thành đúng tiến độ và mặt bằng phía trong kè biển được san lấp để khắc phục tình trạng “ao tù nước đọng” gây ô nhiễm môi trường… cơ quan chức năng và UBND huyện Phú Quý nên thực hiện xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư tham gia việc san lấp mặt bằng nói trên để xây dựng công trình dân sinh…                       

HỒ NHẬT