Tàu cá bị sét đánh cháy khi trên tàu không có người

Bạn đọc - Ngày đăng : 09:01, 13/11/2017

BT- Ngày 6/5/2017 tàu cá BTh 99919-TS của DNTN Trường Thạnh đang đậu ở bãi ngang thôn Phú Long, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý thì bị sét đánh cháy. Qua điều tra nguyên nhân vụ cháy tàu, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã từ chối bồi thường. Ông Thạnh, chủ tàu đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Diễn biến sự việc

Tàu cá BTh 99919-TS do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng điều khiển (chủ tàu là ông Nguyễn Trường Thạnh) nhập bến và neo đậu tại bãi ngang thôn Phú Long, xã Long Hải (Phú Quý) ngày 27/4/2017 (vị trí tàu cách bờ khoảng 500m). Thường ngày từ 17h đến 5h sáng hôm sau chủ tàu luôn cử người trông coi tàu. Ngày 6/5/2017, ông Hùng và ông Phúc ra tàu để ngủ trông coi. Khoảng 4h sáng ngày 7/5/2017, ông Hùng nhờ ông Phúc đưa vào bờ để giải quyết công việc và có nhờ ông Tảo (tàu neo đậu gần đó) coi hộ. Khoảng 4h50’ cùng ngày thì tàu BTh 99919-TS xảy ra sự cố cháy tàu và chìm tại chỗ dẫn đến toàn bộ vỏ tàu, trang thiết bị trên tàu bị cháy, hư hỏng, không còn khả năng phục hồi, máy tàu bị ngâm nước rỉ sét. Ngay sau khi xảy ra sự cố cháy, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo việt chỉ đạo Bảo Việt Bình Thuận cử cán bộ giám định phối hợp với chủ tàu và các cơ quan chức năng để chữa cháy cứu tàu nhằm hạn chế tổn thất. Đồng thời, tiến hành giám định nguyên nhân, mức độ thiệt hại.

 Nguyên nhân và xử lý

Qua giám định của Công ty Bảo Việt, lời khai của thuyền viên, điều tra của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý và hồ sơ vụ việc cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy và chìm tàu là do sấm sét làm hệ thống máy thông tin, bộ đàm liên lạc trên phương tiện phát ra lửa làm cháy tàu. Tại báo cáo điều tra tai nạn của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý xác định: “Trước khi xảy ra vụ cháy, khu vực biển đảo Phú Quý có mưa giông, gió to, tiếng sấm sét đánh rất mạnh… khả năng tàu cá BTh 99919-TS cháy do sét làm hệ thống máy thông tin bộ đàm liên lạc trên phương tiện phát ra lửa làm cháy tàu cá...”

Căn cứ vào điều 15 (phần 2), Quy tắc điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ được chấp thuận tại Công văn 1573 của Bộ Tài chính nêu rõ: “Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất đối với thân tàu, ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm xảy ra trong các trường hợp như sau: Tổn thất xảy ra do tàu đậu tại bến, cảng bất kỳ vùng nước nào mà không được neo buộc chắc chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng, trừ khi có lệnh rời tàu của cơ quan có thẩm quyền”. Mặt khác, điều 69 của Nghị định 58 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam cũng quy định: “Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng biển, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên trực ca canh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt neo, đứt dây buộc tàu, khi dây buộc tàu quá căng hay quá chùng hoặc các nguy cơ gây mất an toàn khác đối với tàu thuyền, hàng hóa và người trên tàu; phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động”…

Căn cứ vào thực tế, xác định rõ nguyên nhân và đối chiếu với các quy định nêu trên, ngày 19/9/2017 Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã có Văn bản thông báo số 6522 gửi chủ tàu Nguyễn Trường Thạnh nói rõ việc từ chối bồi thường tổn thất cháy tàu Bth 99919-TS, vì sự cố tàu cá này đã vi phạm điều khoản quy định loại trừ bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm tàu cá 67 của Chính phủ.

 Chủ tàu nói gì ?

Ông Nguyễn Trường Thạnh, chủ tàu BTh 99919-TS cho rằng: “Tập quán neo đậu bến quê không cử người trông coi 24/24 tại thuyền, vì sau một chuyến biển dài, các thuyền viên đếu muốn được nghỉ ngơi, về với gia đình để có sức khỏe cho chuyến biển sau. Cuộc sống ở đảo luôn bình yên ít xảy ra trộm cắp. Vì vậy, người dân trên đảo thường neo đậu tàu thuyền theo cụm rồi nhờ 1-2 người trông coi hộ. Mặt khác,  chúng tôi cũng không hiểu được các điều khoản sau khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.. Trường hợp sự cố tàu BTh 99919-TS khi thuyền trưởng đi vắng đã nhờ người trông coi hộ, doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào quy định không có người trực trên tàu để từ chối bồi thường là chưa hợp lý. Thuyền viên có mặt trên tàu 24/24 là đối với tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt, hoạt động dịch vụ hậu cần và khi neo đậu trên bến cảng để bán hải sản, trú tránh bão, mua lương thực… Nếu thiệt hại xảy ra do lỗi chủ quan của các thuyền viên gây cháy, chìm tàu thì chủ tàu phải chịu, nhưng ở đây là do sét đánh (thiên tai) dù có người trông giữ vẫn xảy ra, thậm chí bị sét đánh chết…Vì vậy, trong trường hợp sự cố tàu BTh 99919-TS bị sét đánh cháy cần được xem xét bồi thường…”.

SÔNG HƯƠNG