Khai thác đất lúa trái phép, xã bỏ qua?
Bạn đọc - Ngày đăng : 10:57, 30/12/2019
Qua tìm hiểu vấn đề nêu trên chúng tôi được biết: Đầu năm 2018 đoàn kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý đối với Công ty TNHH Thông Thuận với nội dung: “Việc khai thác đất của công ty và việc cấp phép đầu tư nhà máy gạch cho công ty, nhưng không cấp giấy phép khai thác khoáng sản”… Sau đó, ngày 8/3/2018 UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành liên quan triển khai xử lý. Theo đó, tỉnh đã thành lập đội kiểm tra liên ngành gồm Sở Tư pháp, sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng… để kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của Công ty TNHH Thông Thuận và xử lý hành vi vi phạm theo luật định. Tuy nhiên, khi phát hiện Công ty TNHH Thông Thuận khai thác đất trái phép lại có thông tin công ty kê khai và nộp thuế tại Cục Thuế tỉnh. Diện tích khai thác đất chủ yếu là đồng ruộng hiện đang canh tác trồng lúa, thanh long. Số diện tích này công ty hợp đồng cải tạo đồng ruộng với các hộ dân. Để có đầy đủ cơ sở pháp lý xác định khối lượng đất sét của Công ty Thông Thuận đã khai thác và sử dụng, đoàn kiểm tra đã làm việc với công ty và tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sản xuất gạch tại nhà máy; làm việc với UBND xã Bình An và 5 hộ dân đã hợp đồng cải tạo đồng ruộng với công ty. Đồng thời, xin ý kiến cấp trên (Bộ Tài nguyên - Môi trường; Bộ Tư pháp) để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý. Sau khi có ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp (29/8/2019) Sở Tài nguyên - Môi trường đã củng cố hồ sơ chuyển toàn bộ vụ việc sang Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua vụ việc khai thác khoáng sản không có giấy phép của Công ty TNHH Thông Thuận cũng cho thấy: Vụ việc xảy ra và chậm xử lý trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện, xã chưa kịp thời kiểm tra phát hiện xử lý việc cải tạo đất, tận dụng khoáng sản của các hộ dân. Vì theo quy định của UBND tỉnh (tại Quyết định số 03/2019 QĐ-UBND ngày 17/01/2019) nêu rõ: “Nơi nào để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh…”. Mặt khác, đối với công tác quản lý nhà nước trong vụ việc này cũng có những sai sót, đó là: Khi Công ty Thông Thuận có đơn và hợp đồng cải tạo đồng ruộng với các hộ dân gửi đến UBND xã Bình An giải quyết, lẽ ra chính quyền địa phương phải hướng dẫn và có báo cáo lên cơ quan cấp trên để giải quyết theo thẩm quyền, thay vào đó xã Bình An lại để công ty triển khai cải tạo đồng ruộng và tận dụng khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; khi Công ty Thông Thuận kê khai khối lượng đất sét khai thác với cơ quan thuế (49.678 m3 đất sét) để nộp các khoản thuế khi không có giấy phép khai thác, nhưng cơ quan thuế vẫn thu và không thông tin về Sở Tài nguyên - Môi trường biết để phối hợp xử lý. Đối với Sở Tài nguyên – Môi trường cũng thiếu sót trong công tác nắm bắt tình hình chậm phát hiện vụ việc sai phạm khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
HỒ NHẬT