Bao giờ thịt heo bình ổn giá?
Bạn đọc - Ngày đăng : 08:54, 06/04/2020
Buôn bán thịt heo tại chợ Phú Thủy. |
Giá cao do thiếu hụt nguồn cung
Trong những ngày chống dịch Covid-19, rất nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, nên tích trữ lương thực, thực phẩm. Hòa trong dòng người hối hả chen nhau mua thịt heo về trữ lạnh ăn dần những ngày qua, chị Nga ở phường Phú Thủy (Phan Thiết) lại mua chừng nửa kg, chia nhỏ để dành nấu canh. Chẳng phải chị không muốn mua nhiều, mà vì giá thịt heo còn rất cao so với thu nhập lương công nhân ít ỏi của chị. Trên tay cầm miếng thịt ba rọi, chị Nga cho hay: “Năm ngoái, mỗi kg thịt heo chỉ có giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Từ đợt xảy ra dịch tả heo châu Phi, đến nay lại thêm dịch Covid-19, nên giá thịt heo “đội” lên từ 140.000 - 190.000 đồng/kg tùy loại… Trong điều kiện kinh tế, đời sống khó khăn do dịch bệnh kéo dài, việc chắt bóp chi tiêu là việc tôi nên làm”. Người tiêu dùng khó khăn là vậy, nhưng đối với các tiểu thương cũng cho rằng, giá thịt heo tăng cao là bởi việc tìm nguồn heo hơi tại các hộ dân vùng ven rất khó khăn, có nhiều hộ còn “ém” heo để bán giá cao (hiện khoảng 75.000 - 82.000 đồng/kg).
Quả vậy, liên tục từ năm 2019 đến nay, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhất là dịch tả heo châu Phi hoành hoành trong suốt năm 2019, khiến hàng ngàn con heo của các hộ chăn nuôi bị chết, buộc tiêu hủy. Cũng từ thời điểm đó, giá bán thịt heo tăng gần gấp đôi và chưa thể giảm xuống. Trong vô vàn khó khăn đó, kể từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước nói chung và các hộ, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh nói riêng đang dần nỗ lực để tái đàn.
Sẽ giảm giá heo hơi?
Tuy vậy, ghi nhận tại một số địa phương trong tỉnh, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đang tái đàn nhưng gặp khó khăn về con giống vì giá cao. Do đó, các hộ gia đình thực hiện việc tái đàn không đáng kể, bởi các huyện nuôi heo nhiều như Đức Linh, Tánh Linh vẫn còn một số xã chưa công bố hết dịch. Ngoại trừ các doanh nghiệp, trang trại lớn đang tập trung phát triển quy mô đàn để bù đắp lại số lượng xuất bán tiêu thụ trong dịp Tết nguyên đán vừa qua. Ngoài ra, các hộ gia đình không còn chăn nuôi nái sinh sản nên không chủ động trong việc chuẩn bị heo con để nuôi thịt mà phải mua từ nơi khác về với giá rất cao. Mặt khác, không đảm bảo an toàn dịch bệnh để áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Mới đây, theo nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá về giải pháp bình ổn giá thịt heo, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản. Thủ tướng yêu cầu quản lý mặt hàng thịt heo vì đây là mặt hàng quan trọng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 đưa giá heo hơi về mức khoảng 60.000 đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp, nếu không sẽ tăng nhập khẩu. Thực tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt heo các loại, tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thịt heo của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil và Mỹ. Ngoài ra, lượng nhập khẩu các loại thịt trâu, bò, gia cầm cũng tăng mạnh. Rõ ràng, khi trong nước không đủ nguồn cung, thì việc nhập khẩu thịt heo với giá thấp hơn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng là điều hoàn toàn đúng đắn.
Hy vọng, vượt qua những khó khăn, thử thách và nỗ lực tái đàn của các hộ nuôi, trang trại, giá bán thịt heo đến tay người tiêu dùng sẽ được bình ổn, giảm nhiệt, nhất là trong bối cảnh thu nhập người lao động đang bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19…
Đến thời điểm này toàn tỉnh có 45 trại chăn nuôi heo, với tổng đàn heo là 201.113 con, số hộ chăn nuôi heo là 4.867 hộ với tổng đàn 68.187 con (trong đó heo thịt 32.800 con). Thời điểm này tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu dần phục hồi. |
TRUNG LƯƠNG