Cần ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 08:10, 31/05/2017
Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. |
Chỗ dựa của người lao động
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện từ năm 2009 đến nay và đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người lao động. Khi lao động mất việc làm thì vẫn có thể hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), hưởng bảo hiểm y tế khi ốm đau bệnh tật và trong thời gian thất nghiệp người lao động còn được hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm. Mức đóng BHTN được Nhà nước quy định hàng tháng doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ lương tháng của người lao động với tỷ lệ đóng 2% (người lao động 1% và doanh nghiệp 1%) và Nhà nước hỗ trợ 1%. Mức tiền lương thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Khi mất việc làm thì người lao động được hưởng TCTN hàng tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cụ thể: 3 tháng, nếu có đủ 12 đến 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng, nếu có từ 36 đến 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng, nếu có từ 72 đến 144 tháng đóng BHTN trở lên. Tuy nhiên, thời gian qua một số lao động đã lợi dụng chính sách BHTN nói trên để trục lợi, gây thất thoát nguồn quỹ BHTN và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng chính sách thất nghiệp.
Nghỉ hưu, có việc làm… vẫn hưởng TCTN
Tại kết luận của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết quả kiểm tra báo cáo quyết toán tài chính năm 2015 (ngày 23/2/2017) đã đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận xuất toán thu hồi về quỹ BHTN số tiền 542.231.358 đồng do chi TCTN cho 111 đối tượng sai quy định. Trên cơ sở đó BHXH tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hủy hưởng và chấm dứt hưởng TCTN đối với 111 đối tượng. Trong đó, có 4 trường hợp vừa hưởng TCTN vừa hưởng chế độ hưu trí như: bà Hoàng Lệ N, theo quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp 5 tháng kể từ ngày 13/4/2015, nhưng đến ngày 3/8/2015 BHXH ra quyết định cho bà hưởng chế độ hưu trí. Trong tháng 8/2015 bà N vừa hưởng lương hưu, vừa hưởng TCTN nên phải thu hồi một tháng hưởng TCTN; bà Bùi Thị P, sau khi mất việc làm được hưởng 6 tháng TCTN kể từ ngày 27/1/2015, nhưng đến ngày 4/3/2015 cơ quan BHXH ban hành quyết định cho bà P hưởng chế độ hưu trí. Như vậy, từ tháng 3 đến tháng 6/2015 bà P vừa hưởng lương hưu vừa hưởng TCTN. Trên thực tế bà P chỉ hưởng 3 tháng TCTN (do tháng 4/ 2015 bà không đến thông báo), nên phải thu hồi 3 tháng hưởng TCTN với tổng số tiền hơn 8,093 triệu đồng; trường hợp ông Nguyễn Minh P, sau khi mất việc làm được hưởng TCTN 5 tháng kể từ ngày 9/2/2015. Nhưng đến ngày 10/2/2015 BHXH tỉnh ra quyết định cho ông P hưởng chế độ hưu trí. Ông P đã nhận một tháng TCTN nên phải thu hồi 3.036.000 đồng (tương ứng 1 tháng); bà Lương Thị T được hưởng TCTN 6 tháng kể từ ngày 9/2/2015, nhưng ngày 4/2/2015 BHXH đã ra quyết định cho bà T hưởng lương hưu. Do bà đã nhận TCTN một tháng nên phải thu hồi lại số tiền đã nhận. Ngày 20/3/2017 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các quyết định hủy hưởng TCTN đối với 4 trường hợp trên và thu hồi số tiền hưởng sai quy định.
Ngoài ra, có 107 trường hợp khác phải hủy quyết định hưởng và chấm dứt hưởng chế độ thất nghiệp do người lao động vừa hưởng TCTN vừa có việc làm và tham gia BHXH tại đơn vị sử dụng lao động mới với tổng số tiền hơn 525 triệu đồng. Trong đó, có hàng chục trường hợp phải thu hồi từ 4 đến 8 tháng hưởng TCTN như: Trường hợp ông Hồ Quốc D mất việc làm từ ngày 20/1/2015 được hưởng TCTN 9 tháng, nhưng từ tháng 2/2015 ông đã có việc làm mới. Do vậy, phải thu hồi 8 tháng TCTN mà ông D đã hưởng. Hay trường hợp ông Nguyễn Văn D được hưởng TCTN 6 tháng kể từ ngày 10/3/2015, nhưng cũng trong tháng 3/2015 ông D có việc làm mới, nhưng không thông báo. Do vậy, phải thu hồi số tiền TCTN 6 tháng mà ông đã hưởng sai. Trường hợp bà Vũ Thị D được hưởng TCTN 6 tháng từ ngày 26/5/2015, nhưng trong tháng 6/2015 bà có việc làm mới nhưng không thông báo nên phải thu hồi 5 tháng TCTN mà bà đã hưởng sai quy định.
Công tác quản lý còn bất cập
Tình trạng vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHTN xảy ra phần lớn do sự thiếu trung thực của người lao động và doanh nghiệp. Không ít người lao động lợi dụng kẻ hở của chính sách đăng ký TCTN để trục lợi. Trên thực tế nhiều trường hợp người lao động tìm được việc làm, nhưng không đến khai báo mà vẫn tiếp tục nhận TCTN. Hoặc không ít trường hợp lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian người lao động lại trở lại doanh nghiệp cũ. Ngoài ra, có một số trường hợp lách luật để hưởng TCTN, đó là người lao động và doanh nghiệp thông đồng để hưởng TCTN như: Cho lao động nghỉ việc hưởng thất nghiệp, sau đó lại nhận vào làm việc. Vì thế, việc giám sát của cơ quan nhà nước rất khó khăn, nhất là việc thu hồi tiền càng khó khăn hơn vì người lao động không có mặt tại địa chỉ đăng ký thường trú mà đi làm ở các tỉnh khác hoặc chuyển chỗ ở cơ quan quản lý không thể liên hệ được…
Trên thực tế việc trục lợi quỹ BHTN diễn ra không ít, nhưng ngành chức năng chưa thể kiểm soát hết chính vì việc đăng ký hưởng TCTN quá dễ dàng. Mặt khác, việc quản lý, giám sát còn gặp nhiều khó khăn do công tác phối hợp giữa các ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực BHTN chưa thường xuyên trao đổi thông tin, nhất là việc quản lý sau khi người lao động có quyết định hưởng chế độ TCTN còn bất cập. Do vậy, để ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ BHTN, Nhà nước cần quy định biện pháp chế tài các trường hợp không trung thực, trục lợi quỹ BHTN. Mặt khác, cần kết nối phần mềm giữa cơ quan chức năng trong phạm vi tỉnh Bình Thuận và toàn quốc về thực hiện chính sách BHTN để kiểm tra, giám sát người lao động trong thời gian hưởng TCTN. Từ đó mới khắc phục được tình trạng lao động có việc làm ngoài tỉnh, nhưng vẫn về địa phương nơi cư trú đăng ký và nhận tiền TCTN sai quy định…
LÊ THANH