Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng

Xã hội - Ngày đăng : 10:41, 15/04/2020

BT- Người Việt Nam có câu ca dao rất hay về tinh thần tương thân tương ái, cưu mang đùm bọc lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn:

“Miếng khi đói, gói khi no

Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng”

Trong hơn 2 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội Việt Nam. Bộ phận dễ tổn thương nhất chính là những hộ nghèo, người làm thuê, bán vé số và lao động khác… theo kiểu chạy ăn từng bữa. Xưa đến nay, bao giờ dịch bệnh cũng đi liền với đói kém. Ở ta, bộ phận người lao động nghèo chiếm tỷ lệ không nhỏ     trong xã hội, nơi đâu cũng có, từ thành thị đến thôn quê. Trận chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và người nghèo sẽ càng lâm cảnh nghèo túng, thiếu đói hơn.

Dân tộc Việt Nam xưa nay vốn có truyền thống nhân ái. Mỗi khi đồng bào mình bị thiên tai địch họa là cả nước chung sức chung lòng san sẻ, giúp đỡ để cùng qua cơn hoạn nạn. Bây giờ cũng vậy! Cùng với sự cứu trợ của Nhà nước là sự chung tay tiếp sức của toàn xã hội, giúp đỡ người nghèo trước cơn đại dịch. Những ngày qua, báo chí, truyền hình, mạng xã hội đã đưa nhiều tấm gương quyên góp, ủng hộ vật chất, tiền bạc để cứu trợ người nghèo. Bên cạnh các mạnh thường quân là các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân… tham gia cứu trợ với giá trị lớn; thì cũng có nhiều cá nhân là những người lao động bình dân, người thậm chí còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn nhưng cũng đã san sẻ, chia sớt cho người khó khăn hơn. Thật là cảm động và trân trọng các tấm lòng, các nghĩa cử lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều…

Gói cứu trợ xã hội 62.000 tỷ đồng là ngân khoản cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay của Nhà nước và đang được các địa phương gấp rút triển khai đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Tại Bình Thuận, theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội có khoảng gần 20 vạn người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp trong lần này với tổng số tiền lên đến gần 400 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, phải triển khai nhanh, đúng đối tượng, tránh bỏ sót, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tiền đến tay người được cứu trợ.

Trong khi chờ giải ngân gói cứu trợ của Nhà nước thì cả xã hội đã và đang chung tay, tiếp sức, san sẻ với nhau từng thùng mì tôm, ký gạo, mớ rau, con cá… Từ những cụ già neo đơn ủng hộ bằng tiền dành dụm, đến những em thiếu nhi đập heo đất đem tiền ủng hộ đồng bào bị thiếu đói. Những nghĩa cử thật đáng trân trọng. Chưa bao giờ tình người lan tỏa mạnh như lúc này.

Một sáng chế trong mùa dịch có nhiều ý nghĩa đang được cả xã hội hết lòng khen ngợi là máy “ATM gạo”. Trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, không tụ tập đông người để tránh lây lan dịch bệnh, thì máy “ATM gạo” như một vị cứu tinh cho những hoàn cảnh túng thiếu. Từ một máy “ATM gạo” đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh, đã được nhân bản ra Huế, Hà Nội, Đắk Lắk, Cà Mau và mới đây là ở Mũi Né của Bình Thuận.

Và câu nhắn nhủ hay nhất, thấm đẫm tình người nhất, thời sự nhất đang được niêm yết cùng các phần quà nơi này, nơi kia ngoài phố, chính là: “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.

Câu ca dao “Miếng khi đói, gói khi no/ Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng” đã trở thành thời sự với vô vàn  ý nghĩa trong xã hội ta lúc này, khi cả nước cùng chung tay chống dịch Covid-19! 

Huỳnh Thanh