Tánh Linh: Phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với chuỗi tiêu thụ

Kinh tế - Ngày đăng : 10:33, 15/04/2020

 BT- Lợi thế về thời tiết, khí hậu và nguồn nước đã có, nhưng để đạt được kế hoạch đề ra, ngoài việc duy trì các diện tích đã sản xuất lúa hữu cơ, Tánh Linh sẽ  tiếp tục khoanh vùng mở rộng diện tích 410 ha trên vùng lúa chất lượng cao… 
                
      Sản xuất lúa tại Tánh Linh.

Tận dụng thế mạnh

Tánh Linh - vựa lúa trọng điểm phía Nam của tỉnh, lâu nay được xem là nơi có nguồn nước mặt tương đối dồi dào. Nhờ hưởng lợi từ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, từng cánh đồng nằm dọc ven sông La Ngà quanh năm cung cấp phù sa cho vùng đất lúa. Cũng chính lợi thế ấy, những năm gần đây, địa phương không những vượt chỉ tiêu về sản lượng lương thực, mà còn chú trọng đến nông nghiệp sạch, hữu cơ và chuỗi tiêu thụ nông sản.

Điển hình ở vụ đông xuân 2019-2020, trong khi nhiều địa phương khác gặp hạn hán, phải cắt giảm diện tích, thì Tánh Linh vẫn gieo trồng trên 8.200 ha lúa, với các loại giống phù hợp thổ nhưỡng như OM4900, OM5451, OM6976 ML202… Trong tiết trời tháng 4 rực nắng, bà con vẫn đang tích cực thu hoạch diện tích lúa còn lại, với năng suất lúa bình quân đạt 76,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 63.313 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so cùng kỳ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Ty - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện không giấu niềm phấn khởi, cho biết huyện vẫn đang duy trì ổn định diện tích lúa chất lượng cao 3.000 ha. Cộng thêm diện tích sản xuất lúa giống xác nhận với 100 ha tại xã Đức Phú, Măng Tố, Bắc Ruộng, Lạc Tánh… Trong đó, trên vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha đã xây dựng cánh đồng lớn gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ 1.150 ha. Đáng nói, phần lớn các diện tích cánh đồng lớn đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, đặc biệt là có trên 90 ha lúa tại Đức Bình, Măng Tố, Đức Phú và Đồng Kho sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm gạo hữu cơ được gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” cho 2 đơn vị là HTXNN Hưng Thịnh và cơ sở Đức Lan, xuất bán trong và ngoài tỉnh trên 200 tấn gạo thành phẩm, với mẫu mã bao bì và chất lượng gạo an toàn, giá cao gấp 2 - 2,5 lần so với gạo thường. Ngoài ra, địa phương còn liên kết với Công ty TNHH SXKD XNK Nông sản Hoàng Gia để sản xuất và tiêu thụ các loại cây rau, màu như ớt cay, đậu bắp Nhật… với diện tích khoảng 50 ha/năm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đem lại thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ, bình quân tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa và từ 10 -15 triệu đồng/ha/vụ so với trồng bắp.  Qua đó, tạo được việc làm ổn định cho số lao động nông nhàn tại địa phương, góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. 

Hướng nhân rộng sản xuất hữu cơ

Ông Võ Văn Ty nhấn mạnh thêm: Huyện xác định mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Đây là một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp mà Tánh Linh đang hướng tới. Huyện xác định, ngoài việc duy trì các diện tích đã sản xuất lúa hữu cơ, sẽ tiếp tục khoanh vùng mở rộng diện tích 410 ha trên vùng lúa chất lượng cao, đồng thời phát triển sang các xã khác. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ không thể thiếu là việc tập huấn, chuyển giao quy trình thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI để nông dân áp dụng. Song song, tổ chức hội nghị chuyên đề về kinh tế tập thể để xây dựng các HTX. Củng cố các tổ thủy nông để làm cầu nối doanh nghiệp ngay trên các diện tích cánh đồng lớn và lúa hữu cơ. Địa phương cũng xác định sẽ tích cực duy trì diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả khoảng 2.000 ha, mở rộng khoảng 150 ha. Trong đó ưu tiên chuyển đổi sang các loại cây trồng có doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ trên vùng sản xuất tập trung 50 ha tại xã Đồng Kho. Đồng thời khảo sát chọn vùng thí điểm sản xuất một vài sản phẩm theo hướng công nghệ cao để rút kinh nghiệm nhân rộng…

Kiều Hằng