Cấp thiết giải quyết thiếu nước sinh hoạt
Đời sống - Ngày đăng : 10:48, 14/04/2020
Người dân Hàm Thuận Nam mua nước bình để sử dụng nấu ăn. |
Thiếu nước trên diện rộng
Đến thời điểm này, huyện Tánh Linh còn lại khoảng 4.000 ha diện tích lúa đông xuân cần phải tưới đến từ 2 – 3 trà nước nữa mới đảm bảo mùa vụ. Thế nhưng hiện nguồn nước tưới rất khó khăn, kênh mương bị bồi lắng cần phải nạo vét khẩn cấp, khả năng số diện tích này sẽ bị giảm năng suất khoảng 30%. Nhất là khu vực kênh chính đập Đá Chồng và kênh Bàu Nga (thôn 1, 2) có khoảng 70 ha có khả năng mất trắng. Còn tại huyện Tuy Phong hơn 1.100 ha lúa đông xuân đã thu hoạch trên 90% diện tích, tuy nhiên nông dân có sản xuất được vụ hè thu hay không địa phương này còn trông chờ vào trời mưa. Tính đến đầu tháng 4, dung tích các hồ chứa Phan Dũng, Lòng Sông, Đá Bạc hiện còn 6,6 triệu m3, lượng nước này ưu tiên cung cấp cho các nhà máy nước cơ bản đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc.
Những ngày qua, nắng nóng liên tục xuất hiện với nhiệt độ cao dao động từ 35-36 độ C và dự báo còn kéo dài trong tháng 5. Tình hình xâm nhập mặn ở vùng ven biển và cửa sông có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Khảo sát của ngành nông nghiệp mới đây cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 25.000 hộ với 92.824 khẩu đang thiếu nước sinh hoạt. Tập trung nhiều tại huyện Bắc Bình gần 10.000 hộ, với 44.174 khẩu, tình trạng thiếu nước diễn ra nhiều nơi như xã Phan Rí Thành, Hồng Thái, Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Sơn và xã Hồng Phong. Tại các huyện Hàm Tân có 8.453 hộ, với 21.802 khẩu; Đức Linh 7.050 hộ, với 16.990 khẩu; Hàm Thuận Nam 2.658 hộ với 10.632 khẩu. Hàm Thuận Bắc 2.483 hộ với 10.398 khẩu; huyện Phú Quý 1.000 hộ, với 4.200 khẩu, Tánh Linh 40 hộ với 200 khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: “Nếu trong tháng 4 và 5/2020 vẫn không có mưa thì mức độ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn sẽ trầm trọng hơn”. Hiện tại một số địa phương như xã Hồng Phong (Bắc Bình); Tân Đức (Hàm Tân); Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), Thiện Nghiệp (Tp. Phan Thiết)… người dân phải tự đi chở nước hoặc mua nước với giá cao từ 80.000 đồng -120.000 đồng/m3 về chỉ đủ cho sinh hoạt ăn, uống và gia súc.
Khẩn cấp ứng phó
“Giải pháp trước mắt các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp hỗ trợ người dân. Trong đó, ưu tiên lập danh sách các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, khó khăn đang thiếu nước sinh hoạt phải đi mua nước để có chính sách hỗ trợ. Riêng các hộ thiếu nước cục bộ thì vận động chia sẻ, lấy nước từ hộ xung quanh để khắc phục khó khăn tạm thời”, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết. Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, địa phương cân đối, quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có ở các hồ chứa thủy lợi, kể cả phương án bơm khai thác dung tích dưới mực nước chết, ưu tiên trước hết cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi. Sau đó, cấp nước cho các diện tích cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vượt qua mùa hạn. Còn tại các xã, thị trấn đang phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, điều tiết nguồn nước hợp lý, tiếp nước về hồ chứa, các khu vực có nhà máy nước.
Ngày 9/4, Văn phòng PCTT-TKCN tỉnh đã có tờ trình gởi UBND tỉnh, đề nghị quyết định ban hành tình huống khẩn cấp do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, kiến nghị tỉnh triển khai ngay các công trình tạm để tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: đào ao, xây bể, nạo vét kênh mương, xây dựng trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm… Trong đó, cần tập trung các giải pháp tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho các nhà máy nước, mở rộng, nối dài các tuyến ống cấp nước các nhà máy nước, nhằm đảo bảo nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân là việc cần thiết và cấp bách.
Cát TưỜng