Sớm giải quyết những bất đồng để chợ Tân Thắng đi vào hoạt động
Bạn đọc - Ngày đăng : 10:10, 15/04/2020
Chợ mới Tân Thắng đã hoàn thành. |
Bất đồng về giá
Xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân có 2.421 hộ/10.754 khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, ngư, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Cả xã có 1 ngôi chợ nằm ở thôn Gò Găng. Chợ cũ xập xệ xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, cũng như nhu cầu giao thương buôn bán của bà con trong xã. Thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ, năm 2018 UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình thuê đất xây chợ mới. Cuối năm 2019, việc xây chợ hoàn thành và cho tiểu thương thuê sạp hàng, ki-ốt... chuyển vào chợ mới. Tuy nhiên, các tiểu thương không chuyển về với lý do giá thuê cao, mặc dù đã đặt tiền cọc. “Các ki-ốt, sạp hàng trong chợ có giá thấp nhất khoảng 20 triệu đồng, cho thuê trong vòng 3 năm, thanh toán 1 lần. Sạp hàng của tôi với giá 30 triệu đồng, tôi e rằng với cuộc sống ở thôn quê, người dân khó buôn bán, sợ không đủ trả nợ nếu đi vay tiền thuê sạp”, chị N.T.T, thôn Phò Trì, người bán đồ la-gim chia sẻ.
Thêm vào đó, họ cũng mong muốn nhà đầu tư sửa lại một số gian hàng cho phù hợp quy cách chợ, tiện lợi cho việc buôn bán. Hay lối đi rộng thì chợ sẽ đẹp và thông thoáng hơn.
Lý do giá cao
Trước sự việc, chúng tôi liên hệ với nhà đầu tư là Công ty Phan Đình. Công ty này cho biết trước khi khởi công đã đăng ký ghi vốn thực hiện dự án chợ Tân Thắng 15 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án đã đội vốn lên tới 18 tỷ đồng, do trong quá trình thực hiện dự án phát hiện diện tích đất không đủ để thiết kế 1 ngôi chợ đúng quy định, do các hộ dân lấn chiếm, nên phải mua thêm đất.
Ông Phan Đình Châm - Giám đốc Công ty TNHH Phan Đình cho biết: Khi nhận dự án, chúng tôi đã làm 1 chợ tạm, chuyển các tiểu thương qua buôn bán để lấy mặt bằng thi công. Chúng tôi phát hiện diện tích đất chợ chỉ còn khoảng 4.000 m2. Với diện tích ấy, thì không thể thiết kế xây 1 chợ thông thoáng, nên buộc phải thay đổi thiết kế bằng cách mua thêm đất.
“Hiện chợ đã hoàn thành với tiện nghi đầy đủ, không thiếu một thứ gì từ camera an ninh cho đến hệ thống đèn chiếu sáng, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy...”, ông Châm nói thêm.
Từ khoản đầu tư ấy nên phải tính toán làm sao để thu lại vốn cho hợp lý. Nếu các tiểu thương muốn chia nhỏ số tiền trả trong nhiều lần, thì phải có đơn xin và cam kết trả đúng, đủ, tránh bất lợi cho nhà đầu tư về sau. “Hiện chúng tôi đã báo cáo tất cả khoản đầu tư và giá bán sạp hàng, ki-ốt cho các sở, ngành có liên quan như Sở Công Thương, Sở Tài chính thẩm tra trình UBND tỉnh. Nếu UBND tỉnh đưa ra giá bán thấp hơn giá bán của chúng tôi thì chúng tôi sẽ lấy giá của UBND tỉnh, ngược lại giá bán cao hơn giá bán của chúng tôi thì chúng tôi giữ nguyên giá bán”, ông Châm khẳng định. Liên quan việc thiết kế gian hàng chưa đúng quy cách, nhà đầu tư cho biết đã sửa chữa lại theo yêu cầu của bà con và hiện chợ sẵn sàng đi vào hoạt động bất cứ lúc nào.
Chợ tạm xập xệ. |
Bất lợi nếu kéo dài
Vấn đề bất đồng giữa tiểu thương và nhà đầu tư là về giá cả và quy cách thiết kế chợ, nên chính quyền địa phương hiện chưa cho phép người dân vào chợ buôn bán với lý do chưa có chỉ đạo từ huyện. UBND huyện Hàm Tân đang đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định, sớm đưa chợ vào hoạt động. Ông Đỗ Tấn Sĩ - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết, cho đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản nào từ huyện để cho bà con vào chợ buôn bán. Khi có văn bản chỉ đạo, chúng tôi họp bà con vận động vào chợ mới.
Như vậy, chưa biết khi nào người dân Tân Thắng được vào chợ mới để buôn bán. Hiện chợ tạm thì xập xệ nhếch nhác, dột nát, nhất là mùa mưa đang đến, bà con buôn bán sẽ gặp khó khăn. Khuôn viên chợ chật hẹp, người mua bán đông đúc dễ lây nhiễm dịch Covid-19 khi không có ai quản lý trực tiếp chợ. Trước tình hình trên, ngành chức năng cần phối hợp với các bên sớm giải quyết để chợ đi vào hoạt động.
Ninh Chinh