Lấn chiếm lòng đường từ thói quen tiện đâu mua đó
Đời sống - Ngày đăng : 08:40, 21/04/2020
Buôn bán lấn chiếm lề đường. |
Bất cập kéo dài
Lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán gây mất mỹ quan, ách tắc giao thông từ lâu trở thành vấn đề “nhức nhối” trong cộng đồng dân cư. Nhất là ở các khu vực chợ, lực lượng công an ra sức ngăn chặn nhưng đâu cũng vào đó. Chẳng hạn, chợ Phan Thiết, người buôn bán lấn ra cả các tuyến đường bên ngoài khu vực chợ như đường Triệu Quang Phục, Ngô Sĩ Liên... Tình trạng đã diễn ra khá lâu, công an “đẩy đuổi” được chỗ này lại “lan” ra chỗ khác. Những người lấn chiếm có cuộc sống khó khăn, chủ yếu bán cá, rau hành, trái cây... Lý giải hành động lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán của mình, một người bán cá bị công an “đẩy đuổi” trên đường Triệu Quang Phục, đoạn thuộc phường Đức Thắng nói, trong chợ không còn chỗ nào ngồi bán, mà nếu có thì phải thuê 30.000 đồng/chỗ/ngày. Ra đường dễ bán mà không mất tiền thuê chỗ...
Ở chợ này hiện đang tồn tại 2 hình thức buôn bán: có quản lý và không ai quản lý. Hình thức có quản lý là những người thuê sạp hàng, kiốt buôn bán trong lòng chợ chịu sự quản lý của ban quản lý chợ, hàng năm đóng thuế cho Nhà nước. Còn không ai quản lý, phần lớn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là những người buôn bán dạo hoặc thuê chỗ ngồi trước mặt tiền của nhà dân, của người có kiốt, sạp hàng dọc tuyến đường bao quanh chợ... Cả 2 hình thức đang nảy sinh mâu thuẫn liên quan thói quen của người tiêu dùng. Số người buôn bán không ai quản lý vây quanh chợ, người tiêu dùng chỉ cần vào đầu chợ hoặc đi xung quanh chợ có thể mua được thứ mình cần, chẳng dại gì mất phí gửi xe vào bên trong chợ để mua. Chính điều này khiến cho người buôn bán có quản lý trong lòng chợ gặp khó khăn vì không ai vào mua, nhưng hàng tháng vẫn phải đóng thuế cho Nhà nước. Từng xảy ra trường hợp tiểu thương bỏ sạp, kiốt trong chợ ra bên ngoài chợ hoặc tìm chỗ bán thuận tiện hơn. Ông Lê Văn Hậu – Trưởng Ban Quản lý chợ Phan Thiết cho biết: Ban Quản lý chỉ quản lý những tiểu thương buôn bán trong chợ, ngoài chợ thì thuộc kiểm soát của các phường. Tình trạng buôn bán tự phát đã diễn ra nhiều năm qua ảnh hưởng đáng kể đến các tiểu thương trong chợ.
Cần giải pháp căn cơ
Chuyện của chợ Phan Thiết chỉ là một ví dụ điển hình trong nhiều vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường đang diễn ra ở khắp thành phố. Nguyên nhân hình thành buôn bán lấn chiếm lòng lề đường cũng một phần do thói quen tiện đâu mua đó của chính mỗi người dân. Hình ảnh người chạy xe ghé vào mua hàng rồi đi, không hiếm bắt gặp trên các tuyến đường, nhất là ở các chợ cóc. Điều đáng nói, trong đó có cả cán bộ công chức. Có cầu mới có cung, nếu tất cả người tiêu dùng “tẩy chay” không mua những người bán lề đường thì mọi chuyện sẽ khác. Và họ sẽ tự điều chỉnh cách buôn bán của mình.
Vấn đề là ngành chức năng cần có giải pháp giải quyết như đã làm ở Công viên Đồi Dương và chợ cá trên đường Bà Triệu. 2 địa điểm này tưởng chừng rất khó dẹp được vấn nạn nhưng đã thành công.
Giải quyết vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường rất khó khăn vì nó liên quan ý thức và thói quen, điều kiện sống của người dân. Tuy vậy, không thể vì thế mà làm chậm phát triển đô thị văn minh. Có người cho rằng, cùng với biện pháp như đã làm ở 2 địa điểm trên và khuyến khích người dân từ bỏ thói quen tiện đâu mua đó, ngành chức năng nên kiểm tra, rà soát lại tất cả các chợ. Ngoài những sạp hàng, kiốt đã thuê hoạt động ổn định thì những ai chưa có chỗ buôn bán cần phải xem xét bố trí cho họ có chỗ buôn bán. Nếu thiếu chỗ buôn bán thì tạo thêm quỹ đất hoặc quy hoạch tuyến đường cho họ có chỗ buôn bán ổn định. Khi đó sẽ dễ xử lý nghiêm những ai buôn bán không đúng nơi quy định. Trong khu vực buôn bán nên cấm các phương tiện đi lại. Tất cả phải theo quy định, làm như vậy sẽ tạo được sự công bằng cho mọi người kinh doanh buôn bán trong các chợ, góp phần tạo mỹ quan đô thị...
Đã đến lúc người dân cần phải ý thức để góp phần xây dựng đô thị văn minh từ việc chấp hành theo quy định việc mua bán hàng hóa hàng ngày.
Ninh Chinh