Nghịch lý giữa giá heo hơi và giá thịt heo

Kinh tế - Ngày đăng : 10:40, 22/04/2020

BT- Nghịch lý về giá thịt heo cao ngất ngưởng đang hiện diện ở sản xuất và khâu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đã tác động đến người tiêu dùng, nhất là hiện nay khi mọi chi tiêu đều khó khăn bởi dịch Covid - 19.

Giá thịt heo quá cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân bởi đây là một phần trong cơ cấu của bữa ăn gia đình người Việt. Đã có nhiều giải pháp đưa ra nhưng giá thịt heo vẫn chưa thể “hạ nhiệt”. Những ngày qua, thịt heo tiếp tục biến động, bước vào đợt tăng giá mới. Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh ngày 19/4 giá thịt heo vẫn ở mức cao: sườn non 190.000 đồng/kg, chân giò 160.000 đồng/kg, thịt ba rọi 140.000 đồng/kg…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước đã đồng nhất đưa giá heo hơi về 70.000 đồng/kg. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có văn bản đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi heo tại các địa phương đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg heo hơi. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết, giá heo hơi của các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nằm ở mức từ 75.000 đồng. Trong khi đó, giá heo hơi thương lái mua là 92.000 đồng/kg nhưng cũng không có nguồn để mua. Sự nghịch lý giữa giá heo hơi đã giảm và heo thịt bán ra trên thị trường vẫn ở mức cao, anh Phan Văn Lâm một chủ lò mổ tại thôn Tiến Hòa – xã Tiến Lợi (Tp. Phan Thiết) lý giải: Thị trường heo hơi trước ngày 1/4 đã xảy ra một cuộc “vét” bán heo non ký của một số cơ sở, hộ chăn nuôi. Các nơi tranh giành mua heo dẫn đến tình trạng “cháy hàng”, nguồn cung vốn đã khan hiếm nay càng khó khăn hơn.  Và dù các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá heo xuống 70.000 đồng/kg, hiện các lò mổ chỉ mua được rất ít heo ở mức giá đó. Nếu trước đây lò mổ của anh Lâm, sản lượng heo mua trong tỉnh chiếm đến 80 – 90% thì hiện nay chỉ còn 30% sản lượng do chăn nuôi phục hồi chậm vì con giống giá cao. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngưng, dẫn đến nhiều bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, khu công nghiệp giảm đáng kể lượng thịt nhập, thịt heo công nghiệp gây mất cân bằng tiêu thụ sản phẩm thịt heo. Cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn chuộng “thịt nóng” dù thịt nhập có rẻ hơn khiến nguồn cung thịt heo đang thiếu nhiều so với nhu cầu là nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao và không giảm trong thời gian dài.

Về khâu sản xuất, theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi lâu năm phân tích, hiện nay toàn bộ nguồn cung thịt heo ở khu vực các hộ chăn nuôi đang sa sút nghiêm trọng bởi tốc độ tái đàn chưa bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Nguồn cung cấp heo hiện chỉ còn tập trung nhiều ở các trang trại của các tập đoàn lớn và họ nắm tương đối tốt vấn đề này nên im lặng làm và tranh giành thị trường. Toàn tỉnh hiện có 45 trang trại nuôi heo, với tổng đàn heo là 201.113 con, trong đó heo thịt 134.000 con; số hộ nuôi heo khoảng 4.867 hộ với tổng đàn heo 68.187 con, trong đó heo thịt 32.800 con. Để loại bỏ nghịch lý giữa giá heo hơi và giá thịt heo bán ra thị trường rất cần giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực từ các bộ ngành liên quan. Cùng với việc tái đàn, tổ chức lại chăn nuôi, mỗi người tiêu dùng nên thay đổi thói quen chuyển sang sử dụng thịt nhập khẩu nhằm giảm “sức ép” nguồn cung, góp phần đưa giá thịt heo về mức hợp lý.

Uyên Thư