Mỹ cam kết phối hợp với ASEAN đối phó Covid-19 và phục hồi kinh tế
Quốc tế - Ngày đăng : 15:01, 23/04/2020
Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 22/4 (giờ Mỹ) đã ra tuyên bố báo chí sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN. Ông Pompeo khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục phối hợp với ASEAN đối phó với Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters |
ASEAN là đối tác chiến lược lâu dài của Mỹ
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, các nước thành viên ASEAN là những đối tác chiến lược lâu dài của Mỹ trong bối cảnh đối phó với đại dịch Covid-19 và lên kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Mỹ cam kết tiếp tục phối hợp với ASEAN đối phó với Covid-19 và tiếp tục nỗ lực cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho khu vực.
Mỹ cảm ơn các đối tác ASEAN đã hỗ trợ thúc đẩy các nguồn cung y tế quan trọng vào Mỹ cũng như tạo điều kiện cho các chuyến bay đưa người Mỹ về nước. Ví dụ, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các chuyến bay thương mại vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ sang Mỹ và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm các lô hàng thiết bị bảo hộ cá nhân trong những tuần tới. Ngoài ra, kể từ đầu tháng 4, Malaysia đã tạo điều kiện cho việc vận chuyển 1,3 triệu kg găng tay cho các nhân viên y tế Mỹ. Campuchia cũng giúp các công dân Mỹ trở về nước an toàn từ du thuyền Westerdam.
Mỹ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ASEAN trong nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19. Mỹ kêu gọi các nước chia sẻ thông tin đầy đủ và minh bạch. Ngoại trưởng Pompeo đã công bố sáng kiến Tương lai y tế Mỹ-ASEAN nhằm củng cố nỗ lực trong an ninh y tế thông qua nghiên cứu, y tế công cộng, và đào tạo thế hệ tiếp theo của các chuyên gia y tế ASEAN. Mỹ đã hỗ trợ 35,3 triệu USD trong ngân sách y tế khẩn cấp nhằm giúp các nước ASEAN chống dịch. Đây là một phần của tổng số 3,5 tỷ USD Mỹ từng hỗ trợ về y tế công cộng cho các nước ASEAN trong vòng 20 năm qua.
Mỹ kêu gọi giới chức các nước thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ viện trợ nhân đạo cho những nhóm dễ tổn thương nhất tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mỹ cam kết sử dụng mọi phương tiện hiện có để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra và khôi phục tăng trưởng toàn cầu. Mỹ tiếp tục cam kết duy trì đầu tư dài hạn trong hỗ trợ kỹ thuật kinh tế và phát triển năng lực con người thông qua các chương trình USAID song phương tại các nước thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Do mối liên kết giữa động vật hoang dã bị săn bắt trái phép được bán tại các chợ tươi sống ở Trung Quốc với các bệnh lây truyền từ động vật, Mỹ kêu gọi Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn các chợ tươi sống và tất cả các chợ buôn bán động vật hoang dã bị săn bắt trái phép. Mỹ cũng kêu gọi chính phủ các nước ASEAN hành động tương tự.
Đe dọa dài hạn về an ninh chung chưa biến mất
Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong khi đối phó với dịch bệnh, các nước cần phải nhớ rằng mối đe dọa dài hạn đối với an ninh chung vẫn chưa biến mất mà trên thực tế đã trở nên rõ hơn. Bắc Kinh đã tận dụng sự sao nhãng của các nước, từ việc Trung Quốc mới đơn phương thông báo thành lập cái được gọi là các quận hành chính đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông, làm đắm một tàu cá của Việt Nam hồi đầu tháng, cũng như các trạm nghiên cứu của nước này ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu bi. Trung Quốc tiếp tục điều dân quân trên biển xung quanh quần đảo Trường Sa và mới gần đây đã điều một nhóm tàu bao gồm một tàu khảo sát năng lượng với mục đích chính là đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác không được tham gia phát triển hidrocacbon ngoài khơi.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết cần phải làm rõ việc Trung Quốc đang tranh thủ thế giới tập trung cho cuộc khủng hoảng Covid-19 để tiếp tục hành vi khiêu khích của mình. Trung Quốc đang gia tăng sức ép quân sự và cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Đông, thậm chí còn làm đắm một tàu cá của Việt Nam. Mỹ phản đối mạnh mẽ hành động bắt nạt của Trung Quốc và hy vọng các nước khác sẽ quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động của mình.
Mỹ bày tỏ quan ngại về một báo cáo khoa học rằng hoạt động của các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đã đơn phương thay đổi dòng chảy của sông Mekong. Báo cáo cho thấy các hoạt động đó đã lấy đi đáng kể nguồn nước của các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong trong nhiều năm, dẫn tới các hệ quả nghiêm trọng trong mùa khô gần đây nhất đối với 60 triệu người phải phụ thuộc vào dòng sông về thực phẩm, năng lượng, và giao thông.
Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ và ASEAN cam kết tiếp tục xây dựng một tương lai dựa trên những nguyên tắc chung - vai trò trung tâm của ASEAN, cởi mở, minh bạch, một khung dựa trên luật lệ, quản trị tốt, và tôn trọng chủ quyền.
Phạm Huân/VOV